Triển lãm do Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức, khai mạc tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ ngày 19-10. Đến dự triển lãm có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng gần 100 Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Dự án của lòng tri ân
Tiếp nối dự án ký họa “Chân dung mẹ Việt Nam anh hùng”, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã bắt tay thực hiện “Chân dung đồng đội” bằng việc hoàn thành tranh chân dung 350 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của 21 tỉnh thành thuộc Quân khu 7 và Quân khu 9. Đây là 2 chương trình lớn của cùng một dự án mang tên “Hành trình nét thời gian” đã được nữ họa sĩ âm thầm thực hiện suốt 7 năm qua.
Ngày 19-2-2010, trong lúc mọi người vẫn đang say sưa với hương vị ngày Tết cổ truyền thì người nữ họa sĩ (khi ấy đã 62 tuổi) lặng lẽ lên đường. Một mình với chiếc xe Chaly bạc màu cũ kỹ, bà in dấu chân khắp các nẻo đường từ miền Trung nắng gió, miền Bắc rét căm căm, mưa rừng gió núi, đến các tỉnh thành miền Nam nắng nóng, vùng sâu vùng xa. Người nữ họa sĩ với lòng nhiệt thành chưa bao giờ tắt, vượt hàng chục ngàn cây số. Bà đã lên kế hoạch chi tiết, đại tu cho chiếc Chaly, chuẩn bị tất cả đồ nghề để có thể tự xử lý những việc phát sinh, kể cả việc xe có thể trở chứng dọc đường.
15 tuổi, người con gái của miền sông nước Tiền Giang đã xung phong ra chiến trận. Chứng kiến bao đau thương và mất mát, khi hòa bình lập lại, dù bộn bề với công việc giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, bà vẫn luôn đau đáu trong lòng nỗi niềm tri ân các mẹ Việt Nam anh hùng. Chiến tranh đã lùi xa, những tiếng súng nay chỉ còn trong dĩ vãng, nhưng lòng các mẹ vẫn còn đó những niềm đau. Ngày mẹ tiễn chồng và con ra trận, mẹ đâu ngờ đó là lần cuối cùng được gặp những người thân yêu nhất cuộc đời mình…
Đến nay với “Hành trình nét thời gian”, gia tài của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt là ký họa chân dung 1.475 mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) của 63 tỉnh, thành khắp cả nước (trừ tỉnh Lào Cai, vì thời điểm ấy tỉnh này không còn mẹ VNAH nào còn sống), trong đó riêng TPHCM có 350 mẹ VNAH. Hàng trăm tác phẩm ký họa mẹ VNAH của nữ họa sĩ hiện đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng trong cả nước: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 304 bức, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM 70 bức, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ...
Việc làm anh hùng
Năm 2015, bà bắt tay vào dự án “Chân dung đồng đội”, đồng thời vẽ ký họa mẹ VNAH (theo Nghị định 56/NĐ-CP năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, công nhận danh hiệu Mẹ VNAH với các mẹ có 2 con trở lên là liệt sĩ). Họa sĩ cho biết: “Phải chạy đua cật lực với thời gian thôi, vì nếu chậm ngày nào, quỹ thời gian của các mẹ sẽ còn ít ngày nấy. Các mẹ đều tuổi đã cao, sức đã yếu nên tôi cố gắng thực hiện càng nhanh càng tốt”.
Nếu ở hành trình đến với các mẹ VNAH, “con ngựa sắt” Chaly cùng đồng hành với họa sĩ, thì đến với đồng đội - người bạn sát cánh bên bà là chiếc xe Cánh én, bà mua xe cũ về độ lại… Từ hành trình của mình, họa sĩ Đặng Ái Việt đã truyền sức mạnh của những người anh hùng đến thế hệ trẻ. Không chỉ hôm nay mà muôn đời sau, người dân Việt Nam vẫn nghiêng mình tưởng nhớ đến các mẹ, các chị, các anh - những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng.
“Những người đã hy sinh cho độc lập dân tộc như các mẹ, các chị, các anh đã trở thành tượng đài sừng sững trong lòng muôn người dân Việt, trong lòng giới trẻ. Cảm ơn họa sĩ Đặng Ái Việt và những tác phẩm của chị đã thắp lên trong lòng mọi người tình yêu quê hương và lòng trung nghĩa”, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM chia sẻ. Còn các đồng chí lãnh đạo đã bày tỏ sự xúc động, tự hào về triển lãm bằng dòng cảm nghĩ: “Cảm ơn họa sĩ Đặng Ái Việt, một việc làm anh hùng”.