Họa sĩ Bùi Quang Ngọc qua đời

Theo thông tin từ gia đình họa sĩ Bùi Quang Ngọc, ông từ trần lúc 22 giờ 15 phút ngày 1-12, tang lễ được tổ chức tại tư gia (số 12, đường Hưng Thái 2, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM).

343f798c-97f7-46d7-be23-fe90fc69c90e.jpeg
Họa sĩ Bùi Quang Ngọc. Ảnh: LÝ ĐỢI

Họa sĩ Bùi Quang Ngọc sinh năm 1934 tại Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông là sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, một trong những họa sĩ lão thành của mỹ thuật Việt Nam từng có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế.

Từ những năm 1970, Bùi Quang Ngọc đã có ý thức vẽ chân dung và luôn ấp ủ trong tâm khảm những gương mặt mà ông yêu quý. Họ là anh, thầy, bạn... những người giúp ông vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.

Chân thành, thiết tha với nghệ thuật, họa sĩ Bùi Quang Ngọc luôn sẵn sàng quên đi mọi ưu phiền của cuộc sống để dành mọi tâm lực cho sáng tạo. Thái độ cần mẫn, tinh thần trách nhiệm, đức tính khiêm tốn với cuộc sống và nghệ thuật đã mang lại cho ông một vị trí xứng đáng trong làng mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Năm 1960, họa sĩ Bùi Quang Ngọc rời giảng đường đại học, về công tác tại Sở Văn hóa Quảng Ninh, vẽ tranh cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian này, ông được tiếp xúc với cuộc sống của người công nhân đất mỏ Quảng Ninh. Miền núi trùng điệp với những tầng than đen, hầm lò sâu thẳm… trở thành môi trường thực tế tốt, nuôi dưỡng ý chí và tài năng khởi đầu cho người họa sĩ trẻ với những khung cảnh, đời sống lam lũ, vất vả và cực nhọc của người thợ mỏ thời chiến tranh.

0b1e3732-8f3e-4dcb-823e-bd5949b72efa.jpeg
Bức tranh "Đà Lạt" - 81cm x100cm - acrylic và oil được họa sĩ Bùi Quang Ngọc sáng tác năm 2000

Năm tháng tuổi trẻ, họa sĩ Bùi Quang Ngọc sống ở Hà Nội và Quảng Ninh, hòa mình vào đời sống kháng chiến chống Mỹ của dân tộc và đó là chặng đường đáng nhớ trong đời nghệ sĩ của ông. Từ năm 1978, ông cùng gia đình vào định cư ở TPHCM.

Bùi Quang Ngọc có những ký họa vào hàng đẹp nhất của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, dù rằng hàng ngày vẫn phải làm công việc của một anh vẽ tranh cổ động ở sở văn hóa

- Nhà văn Đỗ Phấn

Tranh và ký họa của họa sĩ Bùi Quang Ngọc thể hiện bút pháp mạnh mẽ, thoáng đạt, hào hoa, mỗi tác phẩm là một sự tìm tòi phát hiện.

Nói về gia đình giàu truyền thống yêu nước của mình, họa sĩ Bùi Quang Ngọc từng chia sẻ:

'Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo nho học có tám anh, chị em. Nhưng tự hào thay, tất cả đều sống rất thanh bạch có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Ông nội tôi là nhà nho yêu nước. Ba tôi cũng vậy, cụ rất giỏi chữ nho, tiếng Pháp và viết tiếng Việt bằng chữ nôm. Cụ lại là người giỏi bốc thuốc.

Và một điều hết sức quan trọng là cả ba anh em tôi. Anh cả Bùi Trị, kỹ sư công chánh (đã mất năm 2012 thọ 90 tuổi); anh thứ năm Bùi Quang Đoài, anh được ông cụ thân sinh đặt tên là Chuyết, sau anh chiết tự ra là Mộc Quang Đoài tức nhà văn Thái Vũ và tôi đều đi bộ đội thời kháng Pháp phục vụ cả ba miền đất nước. Anh cả trong Đại đoàn Pháo binh 351. Anh Đoài Nam tiến năm 1946, đây là thời trai trẻ đẹp nhất của anh.

Tôi đi bộ đội năm 16 tuổi ở Bình Trị Thiên. Cả ba anh em đi bộ đội được Chính phủ tặng Bảng vàng danh dự về truyền thống gia đình kháng Pháp. Tôi rất tự hào”.

Tang lễ họa sĩ Bùi Quang Ngọc được tổ chức tại tư gia (số 12, đường Hưng Thái 2, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM). Lễ nhập quan lúc 9 giờ ngày 2-12, lễ viếng lúc 12 giờ 30 phút đến 14 giờ 15 phút ngày 4-12. Sau đó di quan và hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM

Tin cùng chuyên mục