Trên từng trang viết
Họa sĩ Bùi Quang Lâm kể: “Năm đó, tôi mới tròn 17 tuổi. Tôi theo mẹ cùng các anh chị về huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) làm kinh tế mới. Một năm sau, năm 1978 tôi trở về thành phố rồi lên đường nhập ngũ, giống như bao thanh niên khác ở thời điểm đó. Với tôi, hành trình đến với đất Campuchia (chiến trường K), hoàn toàn khác so với những gì tôi hình dung trước đó. Ngày nhân dân Campuchia chiến thắng thảm họa diệt chủng Pol Pot, trung đội của tôi còn vài người may mắn sóng sót trở về. Tôi nợ đồng đội mình những ân tình”.
Di chứng chiến tranh trên thịt da có thể lành, nhưng những gì chứng kiến ám ảnh họa sĩ Bùi Quang Lâm đến suốt đời. Bởi từ sự ám ảnh này mà ông đã trở lại chiến trường K bằng tác phẩm văn học. Truyện ký Đất K là chuỗi những mẩu chuyện sinh động và giàu xúc cảm, lưu dấu sự dấn thân của tuổi trẻ với tinh thần nghĩa hiệp trong cuộc chiến tranh đặc biệt giúp nhân dân xứ Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng lại đất nước, trên cơ sở củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước láng giềng.
Đất K làm day dứt người đọc và còn nóng hổi trên văn đàn, thì Bùi Quang Lâm tiếp tục ra mắt cuốn Sài Gòn nắng mưa, được nhiều bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. “Sài Gòn nắng mưa ghi lại ký ức thời thơ ấu của tôi và những cuộc tao ngộ với các văn nghệ sĩ được công chúng mến mộ. Thành phố mình vậy, nắng mưa đỏng đảnh nhưng tình người ấm áp lạ lùng”, họa sĩ Bùi Quang Lâm bộc bạch.
Anh chia sẻ: “Xin đừng gọi tôi là nhà văn. Tôi chỉ là một thằng Lâm thẹo đa tình, đa cảm, với mặt mũi rằn ri và mái tóc dài mà thôi. Với Đất K, vẫn mới toanh tiềm thức. Đó là sự tri ân đối với anh em đồng đội, nhất là những liệt sĩ đã nằm lại chiến trường, mà đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Còn Sài Gòn mưa nắng như bức chân dung của nhiều văn nghệ sĩ, mà mỗi gương mặt được tôi phác họa đều mang lại những giá trị tinh thần cho tôi trong làm nghề và lăng kính nhìn đời suốt mấy chục năm qua”.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên cuốn Sài Gòn nắng mưa của họa sĩ Bùi Quang Lâm, dù đã xuất bản nhưng việc tổ chức ra mắt sách vẫn chưa thể thực hiện được. Nhiều bạn bè của ông đã liên lạc, mua sách trực tiếp và có nhiều ý kiến phản hồi tích cực. Ông cũng cho biết thêm, tiền xuất bản Đất K là do một người bạn thuở hàn vi, từng chia cho nhau những đồng tiền cuối cùng trong túi, tài trợ tất cả; còn Sài Gòn mưa nắng, ông tự bỏ tiền tiết kiệm của mình ra để in ấn, dù cũng có người muốn tài trợ cho ông.
Qua từng nét cọ
Hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Campuchia, thương binh Bùi Quang Lâm trở về quận 4, TPHCM sinh sống và học tiếp khoa Văn (Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM), rồi học vẽ từ họa sĩ Trần Thanh Vân, Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM.
Họa sĩ Bùi Quang Lâm nổi tiếng trong giới vẽ pano quảng cáo ở TPHCM. Ông còn là họa sĩ nổi tiếng vẽ tranh từ thơ, nhạc, kể cả nhật ký hay vẽ tranh trên áo dài. Đặc biệt, khi nghe những ca khúc của nhạc sĩ Thế Hiển (Nhánh lan rừng), Nguyễn Văn Hiên (Sài Gòn lập đông, Đợi nắng…) ông đã vẽ thành tranh, nhiều người thưởng thức, kể cả những bạn vẽ, nhạc sĩ đều hết lời khen tặng.
Họa sĩ Bùi Quang Lâm nói: “Tôi đến với hội họa là thỏa sự đam mê của chính mình, cũng như viết văn và viết báo, từ hồi còn trẻ. Tôi ví những bức tranh của tôi là những viên thuốc tinh thần, chữa những nỗi đau mà đã lâu rồi cứ ám ảnh trong tôi. Sống sót trở về từ chiến trường K là một sự may mắn quá lớn đối với cuộc đời tôi, nên những bức tranh được bán đi với một số tiền thu về cũng chỉ là cuộc giao lưu nghệ thuật, mang đến niềm vui cho mọi người và cho tôi… bởi cái nợ ân tình với đồng đội xưa còn mãi.”
Những gì họa sĩ Bùi Quang Lâm chia sẻ đều hiển hiện trong những tác phẩm sơn dầu của ông. Phần lớn tranh của ông sử dụng gam màu trầm và lạnh. Bóng dáng con người rất ít xuất hiện mà thay vào đó là thuần phong cảnh. Nhiều người nhận xét, tranh của họa sĩ Bùi Quang Lâm đẹp nhưng đượm buồn. Với một người luôn hoài niệm, nhớ về đất K - ở đó, có đồng đội của ông đã nằm lại, có dấu chân của ông năm xưa đã đi qua, thì trong từng nét vẽ, mạch cảm xúc của ông vận vào đó là không tránh khỏi.
“Tôi hy vọng, thời gian sắp tới sẽ có nhiều cuộc thi viết và vẽ về đề tài này. Tôi sẽ trở lại đất K thêm nhiều lần nữa cùng các cựu chiến binh Mặt trận 779 năm xưa. Trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh cũng như bao người bình thường khác, nên tôi mong họ may mắn và hạnh phúc nhiều hơn nữa”, họa sĩ Bùi Quang Lâm nói.