Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Dự kiến, con số này còn tăng hơn vào cuối năm 2022.
Hiện Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Đồng thuận về vấn đề này, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPCHM chia sẻ, hiện trên địa bàn Thành phố có 533 dự án đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Hoa Kỳ với tổng giá trị vốn đầu tư đạt hơn 1,36 tỷ USD và 1.109 nhà đầu tư gián tiếp qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với giá trị vốn góp đạt gần 635 triệu USD. Nguồn vốn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để Thành phố tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực trong hoạt động phát triển khoa học, công nghệ cao… Cùng với các nhà đầu tư, có 116 Văn phòng đại diện của thương nhân Hoa Kỳ cũng đang hoạt động hết sức hiệu quả trên địa bàn Thành phố và là cầu nối quan trọng trong xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, sự hợp tác giữa các tỉnh thành của Việt Nam với chính quyền các bang là trọng tâm quan trọng để thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần thực hiện các mục tiêu, cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước. Trong những năm qua, việc gia tăng sự hợp tác, gắn kết ở cấp độ bang như với Oregon, Tây Virginia, Maryland, Virginia, California… đã giúp xác lập các khung khổ hợp tác toàn diện, thuận lợi hóa các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, công nghiệp và năng lượng; tăng cường chia sẻ thông tin về các cơ hội kinh doanh tiềm năng, hỗ trợ các dự án cũng như hoạt động của các doanh nghiệp hai nước. Do vậy, cần phát huy thêm vấn để này để giúp doanh nghiệp hai nước tăng khả năng hợp tác giao thương với nhau.