Nhà vườn được mùa
Nằm cách xa khu nhà dân yên tĩnh, làng Mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh) trong những ngày gần Tết cổ truyền lại đông vui nhộn nhịp như chợ hoa xuân. Theo chủ vườn Hai Dững, đến thời điểm này, làng mai vàng được mùa nhờ thời tiết thuận lợi so với các tỉnh khác, nên giá bán cao.
Đang chuẩn bị vận chuyển hơn 100 chậu mai về TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) để kịp bán Tết Canh Tý, anh Nguyễn Minh Tài cho hay: “Năm nay, các nhà vườn mai ở Bình Định bị mất mùa. Được người quen giới thiệu làng mai Bình Lợi, tôi đến xem thử. Nếu so với mai Bình Định thì chất lượng bông ngang ngửa, nhưng nhờ thổ nhưỡng tốt, cây mai Bình Lợi khoảng 5 năm đã thu hoạch thì mai Bình Định phải 8 năm. Đặc biệt, phí vận chuyển giảm nhiều nhờ khoảng cách gần hơn nên năm sau tôi sẽ tiếp tục mua mai Bình Lợi”. Nhờ trồng dưới đất, cây mai vàng có “sức khỏe” tốt, nhiều thương lái từ các tỉnh miền Trung, Bạc Liêu, Cà Mau… đến mua; thậm chí thương lái Campuchia cũng đến mua. Cây mai vàng năm nay đang trong tình trạng cung vượt cầu. Nhiều vườn mai Thủ Đức, quận 12 được thương lái đặt hàng và đóng hàng loạt mai chậu, mai cành vào container để vận chuyển đi Hà Nội.
Giá cao hơn, sức mua chậm
Bên cạnh hoa mai vàng, dọc các tuyến đường được xem là “thủ phủ” bán hoa tết như Thành Thái (quận 10), Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, Thủ Đức) hay tại công viên Hoàng Văn Thụ, công viên 23-9, công viên Gò Vấp… tấp nập từ hoa kiểng cho đến người mua. Ghi nhận tại đường Thành Thái vào tối 14-1, nhiều xe tải mang biển số từ các tỉnh ĐBSCL chở hoa giao cho tiểu thương. Bên cạnh đó, tuyến đường có vỉa hè rộng như Lý Thường Kiệt, Trần Não, Vành Đai Trong… dù chưa tới 23 tháng Chạp (thường 23 tháng Chạp mới bán) nhưng cũng được người bán mang ra trưng bày gần hết con đường. Tương tự, khu vực Bến Bình Đông (quận 8) thuyền chở hoa kiểng từ các tỉnh ĐBSCL cập bến tấp nập.
Ở ĐBSCL, các loại trái cây tạo hình đang hút hàng. Chủ nhiệm CLB Sản xuất trái cây tạo hình Võ Trung Thành (ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Nông dân ở đây đã thu hoạch và bán hơn 3.000 trái bưởi hồ lô khắc chữ Tài - Lộc với giá từ 600.000 đến 2 triệu đồng/cặp. Số còn lại là 3.000 trái sẽ thu hoạch và bán cho khách đã đặt hàng trước ngày 25 tháng Chạp”. Ông Võ Trung Thành là nhà vườn đầu tiên ở ĐBSCL nghĩ ra phương thức tạo hình chữ “Tài - Lộc” trên trái bưởi và bưởi hồ lô. Nhiều nhà vườn ở ĐBSCL cũng đã học theo mô hình này. Hiện ông Thành cũng là đầu mối liên kết giữa nhà vườn Hậu Giang và Vĩnh Long để sản xuất và cung ứng cho thị trường các loại trái cây tạo hình bán dịp Tết Nguyên đán. CAO PHONG |