Viết tuồng trong ngục tù
Bảy Trường vào tù tháng 4. Được vài tháng, anh em trong tù bàn nhau cần phải có tiết mục văn nghệ đặc sắc để chuẩn bị cho dịp 19-8 và Quốc khánh 2-9. Trước đó, Bảy Trường được giao nhiệm vụ viết thông báo cho anh em vì văn vẻ trôi chảy, câu chữ gọn gàng. Sáu Đờn là một bạn tù, nghệ sĩ đờn, ca thuộc Đoàn Sài Gòn - Gia Định gợi ý Bảy Trường:
- Ê mày, văn hay chữ tốt vầy sao không viết tuồng biểu diễn cho anh em nghe chơi?
- Ôi, em sao biết!
- Mày cứ viết đi, có gì tao chỉ thêm.
Trước đó, Bảy Trường còn chưa biết kịch bản là gì, sân khấu ra sao. May chăng, vốn ham chơi đờn ca tài tử từ nhỏ nên anh chàng có biết đàn, biết hát khá hay. Với chút đỉnh vốn liếng đờn ca, lại yên tâm có anh Sáu Đờn chỉ bảo, Bảy Trường bắt tay vào viết vở kịch đầu tay - Tiếng thét bên kia sông. Vở kịch viết về bi kịch của hai cha con băng qua sông Vàm Cỏ đi theo cách mạng. Đứng bên này sông, họ còn nghe được tiếng thét bên kia sông đầy ai oán, căm hờn của người vợ bị giặc cưỡng hiếp. Và người trai ấy đã biến đau thương thành ý chí, sức mạnh chiến đấu…
Cứ viết đuợc một vài câu trong vở kịch, chưa yên tâm về khả năng của mình, Bảy Trường lại khều anh Sáu Đờn dậy góp ý. Đó thường là lúc mọi người đã ngủ say, Sáu Đờn cũng đã ngủ nhưng anh vẫn ngồi nhỏm dậy, ngay lập tức tỉnh như sáo, hát lầm rầm từng câu, gật gù tâm đắc. Góp ý xong cho Bảy Trường, Sáu Đờn nằm ngay xuống, ngủ say như chưa từng bị đánh thức. Khi hoàn thành hai phần ba kịch bản, mặt anh Sáu Đờn tỏ ra đăm chiêu:
- Trời, sao mày viết gì giống chuyện nhà tao vậy?
- Thì đúng chuyện nhà anh đó. Thôi, nếu không đồng ý tui viết chuyện khác nhen.
- Thôi mày, hay đó, viết tiếp nhen.
Duyên lành sân khấu dẫn dắt Bảy Trường đến với vở kịch đầu tay đầy tình cờ và cảm động như thế. Vở kịch được viết, tập và biểu diễn trong dịp kỷ niệm 19-8 và 2-9 năm đó, ngay giữa những bức tường ngục giam, gây xúc động cho hàng chục chiến sĩ đang bị cầm tù ở Côn Đảo lúc ấy.
Viết kịch bản sân khấu trong tù dường như là điều không tưởng. Mỗi ngày, người tù được ra phơi nắng nửa tiếng. Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi để Bảy Trường tinh mắt nhìn ngó, quan sát kiếm tìm bất cứ thứ gì có thể viết chữ lên được. Lúc là vỏ bao thuốc lá, tận dụng từ mặt trong bao đến cả tờ giấy bạc lót phía trong, lúc là mẩu giấy báo (viết bên lề), miếng giấy vụn chỉ bằng bàn tay… Anh em biết chuyện, thương tình cũng chú ý tìm kiếm giấy cho anh chàng nghệ sĩ viết tuồng trong ngục.
Bảy Trường có một cây bút chì giấu trong gấu áo. Ban đầu chỉ nghĩ biết đâu có lúc cần để viết gì đó. Chỉ vậy thôi mà Bảy Trường viết được hẳn một kịch bản sân khấu biểu diễn cho anh em trong tù xem. Ở tù, điều kiện hết sức thiếu thốn, sợ tốn viết, tốn giấy, chữ viết phải thật nhỏ. Viết được phần nào lại chuyển sang cho các chị em bên phòng nữ tập. Việc chuyển kịch bản cho các chị nữ cũng rất khó khăn. Những người tù nam thay nhau dùng một thanh sắt giấu được, khoét lỗ nhỏ trên bức tường dày tới gần 50 phân. Qua nhiều ngày kiên trì, một lỗ xuyên giữa hai bức tường đã được khoét, có thể giúp các anh chị truyền thông tin qua lại. Để che mắt địch, hàng ngày các anh chị bớt chút nước cháo trắng ít ỏi trộn với bụi vôi từ lỗ khoét ấy trám che lại.
Thương người chưa biết mặt
Một nữ chiến sĩ được phân công đóng vai nữ chính trong vở cải lương. Không nói ra cùng ai nhưng trong lòng chị thầm nể phục và thương người tù miệt mài viết ra từng dòng chữ cho mình tập, cho anh em được xem.
Chị là Phương Dung, một trong những nữ biệt động xinh xắn, thông minh nổi tiếng của đất Biên Hòa. Chị tham gia cách mạng từ khi 13, 14 tuổi và một trong những vụ “kịch tính” mọi người biết về chị là vụ vào thẳng nhà khử một tên chiêu hồi rồi kịp lên xe honda đồng đội đang chờ, chạy thoát. Sau 1968, chị bị bắt cùng nhiều đồng đội do bị chỉ điểm.
Ở nhà tù Côn Đảo, cô gái thông minh và dũng cảm ấy đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ đồng đội và đó cũng là cơ duyên để có một mầm hoa yêu thương nảy mầm với người chiến sĩ trẻ mà chị không hề biết mặt, biết tuổi, biết tên.
Hiệp định Paris ký kết, năm 1973, chị Phương Dung và anh Bảy Trường nằm trong một nhóm tù chính trị được trao trả. Đó là cơ hội để hai người gần gũi… Về sau, khi biết Bảy Trường là người viết kịch bản Tiếng thét bên kia sông mà mình từng diễn trong tù, cùng sự tâm đầu ý hợp trong những ngày sẻ chia công việc đầy vất vả, chị Phương Dung đã dành trọn tình cảm cho đồng đội.
Có thể xem vở cải lương Tiếng thét bên kia sông, về sau được đổi tên là Hoa hồng vẫn thắm, là “ông tơ” xe duyên cho hai người chiến sĩ cộng sản - Cao Đức Trường (nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM) và bà xã Phương Dung. Vở kịch này từng được Đoàn Cải lương Thanh Nga biểu diễn, được in trong tuyển tập Một thế kỷ văn học yêu nước cách mạng TPHCM.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những người làm trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật TPHCM vẫn biết và nhắc đến tấm chân tình này. Như một đóa hoa hồng được ươm mầm từ ngục tối, tình yêu ấy đâm chồi nảy lộc trong những tháng năm hòa bình đầu tiên đầy khó khăn, gian truân thời hậu chiến. Cho đến bây giờ, khi cô gái trẻ trung năm xưa đã mãi mãi đi xa về thế giới bên kia thì ông Bảy Trường vẫn giữ những yêu thương, ấm áp với người vợ, người đồng chí của mình.
Con đầu của ông Bảy Trường tên Cao Đức Trùng Dương, nói lái kiểu Nam bộ là Trường - Dung, theo tên của ông bà, cũng là để nhắc nhớ nơi họ nên duyên gắn kết là Côn Đảo. Hôm trước, ông khoe với tôi hình cô Phương Dung xinh đẹp thuở còn là nữ sinh mười tám, đôi mươi. Tấm hình ấy, cũng như rất nhiều tấm hình khác của vợ, vẫn được ông lưu trong điện thoại của mình, chỉ chờ có ai đó hỏi đến là liền chia sẻ về những yêu thương mà mình may mắn được gặp trong đời. |