Thằng bạn tôi không bịa đặt. Chính chị quản lý ở đó cũng nói với tôi rằng, chị cực kỳ ngại nhận sinh viên nam vào thực tập, bởi đa phần các cô bé ở đây lớn lên từng bị lạm dụng tình dục. Các em ít nhiều có những lệch lạc trong suy nghĩ. Có em thấy đàn ông là sợ, có em không giấu được sự thích thú, có em căm thù… Việc kéo các em hòa nhập lại cuộc sống bình thường là sự nỗ lực không hề đơn giản.
“Hoàng Vân Anh, mười hai tuổi, nhà ở khu bãi rác Kiên Giang, bị cha dượng cưỡng hiếp khi mẹ đi làm… Trần Thùy Linh, mười bốn tuổi, Bình Phước, bị hàng xóm cưỡng hiếp trong khu vườn điều sau nhà, trong khi người lớn vắng nhà…”. Những dòng chữ trong hồ sơ lưu nhảy múa trước mắt tôi. Tôi cảm giác mình đang bước vào một thế giới khác thế giới xô bồ ngoài kia.
- Thầy, làm sao chắc chắn được thầy không xấu như ba em?
Một con nhỏ có mái tóc cháy nắng vàng hoe hoe, nhìn tôi với đôi mắt đượm buồn, hỏi. Hình như nó đang lãng đãng ngắm mây ngắm gió ở đâu đó khi tôi đang dạy. Và vì thế, nó hỏi một câu trớt quớt khiến tôi bối rối:
- À, các em có thể yên tâm vì điều đó. Bởi nếu thầy là người xấu, sẽ không ai cho phép thầy bước qua cánh cửa ngoài kia.
Tôi chỉ tay ra cánh cửa sắt đóng im ỉm cả ngày, ngăn cách mái ấm với con hẻm nhộn nhịp người qua lại.
Tôi nói với Vân Anh, cô bé vừa hỏi mình, nhưng thực ra cũng là điều muốn nói với các cô bé. Gia đình Vân Anh ở khu bãi rác Kiên Giang. Con bé có em trai ba tuổi. Khi ba cô bé giở trò thì mẹ đang cõng em đi nhặt phế liệu ngoài bãi rác.
Sáng nay, Vân Anh bỗng nói:
- Thầy có cách nào xin cho em đi thăm ba em không?
- Sao hôm nay em nghĩ muốn đi thăm ba?
- Hồi nhỏ em là con nhỏ khó nuôi, nửa đêm nửa hôm sốt đùng đùng, nhà không có xe đạp nên ba phải cõng chạy từ nhà ra trạm xá. Đường đồng trơn ba trật chân té lên té xuống hoài, cứ mỗi lần em ốm là ba lại sưng vù mắt cá chân vì bong gân…
- ...
- Hôm xử ba, em có theo ra tòa, thầy à. Mẹ em giận không thèm nhìn mặt ba. Mẹ ngồi như bức tượng vậy thôi, không nghe gì được, không nói gì được. Mẹ em bị câm điếc bẩm sinh mà. Em cũng giận, em thấy ba khóc xin lỗi nhưng em cũng không nói gì.
Lặng một chút, con nhỏ nói tiếp:
- Ba nói, lẽ ra người ta xử ba chết đi thì tốt hơn là hai mươi năm ngồi tù. Hai mươi năm ấy, ba sống sao nổi khi đối diện với tội lỗi. Em nghĩ rồi, mẹ em sẽ nhìn mặt ba em. Ba chịu phạt vậy cũng quá tội rồi, thầy ha?! Thầy nói cô cho em vô thăm ba, nha thầy.
* * *
Dĩ nhiên chị quản lý vui vẻ đồng ý ngay với lời đề nghị của tôi. Những cô bé là nạn nhân của xâm hại tình dục. Và thực ra, việc đưa bé quay lại gặp cha dượng mình sau đó cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Những cuộc gặp gỡ ấy giúp người cha dượng tội lỗi cải tạo tốt hơn để sớm trở về với gia đình, nơi mà ông sẽ vẫn đóng vai trò là trụ cột chính. Còn với các cô bé, dĩ nhiên đối diện với nỗi đau luôn có tính hai mặt. Đó là lý do, hầu hết các em tự đưa ra quyết định của mình, không ai khuyên nhủ, bắt ép điều này. Và khi đã chủ động đưa ra quyết định, nghĩa là em ấy đã biết tha thứ.
“Vậy là em ấy đã biết-tha-thứ”, khuôn mặt chị quản lý rạng rỡ khi nói. Tôi thấy lòng mình chùng lại khi nghĩ tới mẹ. Mẹ thường hỏi tôi: “An, bao giờ con mới tha thứ cho mẹ, hở An?”. Khi tôi còn nhỏ, hỏi câu ấy, mẹ khóc. Giờ tôi đã lớn, giọng mẹ mềm mềm, rưng rưng. Nước mắt đã trôi về những ngày rất xa nào đó.
* * *
Ba tôi mất vì ung thư phổi năm tôi lên hai. Năm năm sau đó, khi tôi vào lớp một, mẹ đi lấy chồng. Tôi luôn có cảm giác việc mình đi học thật tồi tệ. Tựa như, vì tôi đi học, mẹ không còn phải trông tôi nữa nên mẹ đi lấy chồng. Đó là lý do vì sao tôi học dốt suốt những năm cấp một, cấp hai. Tôi thường xuyên trốn học lêu lổng khiến mẹ phải khổ sở khóc lóc và rồi phải vất vả mãi mấy năm cấp ba, thi lại lần thứ hai mới vào được đại học. Và khi vào được đại học rồi, rất hiếm khi tôi trở về nhà thăm mẹ. Tôi ngại nhìn thấy hình ảnh ba tôi trên bàn thờ, mẹ và chú Hòa ngồi trò chuyện, cơm nước cạnh đó.
Lớn lên, dĩ nhiên tôi hiểu, việc tôi đi học chẳng liên quan tới việc mẹ lấy chồng. Tôi cũng hiểu việc trốn học, lười biếng, học dốt của tôi là sai; việc mẹ tìm hạnh phúc mới là không sai, nhưng vẫn không hiểu vì sao tới giờ giữa hai mẹ con vẫn luôn có khoảng cách. Khoảng cách ấy tựa như bờ đê cao vọi trước nhà, nơi tôi nhìn ra bóng mẹ mãi xa ngày người đi lấy chồng.
Cho tới giờ, tôi vẫn không trò chuyện với chồng của mẹ. Tôi gọi chú Hòa, dù mẹ nhiều lần năn nỉ tôi gọi chú là ba. Bây giờ thì có lẽ mẹ đã phát chán và mặc kệ tôi. Lâu lâu, như sực nhớ ra, sau cuộc điện thoại hỏi han trò chuyện, giọng bà lại đột nhiên mềm sũng: “An, bao giờ con tha thứ cho mẹ?”.
* * *
Hình ảnh đầu tiên mỗi sáng trở lại mái ấm vẫn là bé Loan tưới nước cho mấy khóm hồng nhung. Sáng nay, con bé không tưới nước, nó ngồi me mé bên rìa bồn cây.
- Thầy, em tặng thầy nè thầy…
Con nhỏ rón rén chìa ra. Hũ thủy tinh trong suốt in hình những chú hạc giấy tí hon và những ngôi sao nhiều màu sắc lấp lánh. Tôi hơi bất ngờ:
- Em xếp à? Đẹp quá!
- Dạ. Thầy có biết là xếp càng nhiều hạc giấy và ngôi sao thì ước mơ của mình sẽ càng dễ thành sự thực không thầy? Em đã xếp gần chục hũ thế này, tặng thầy và các bạn. Tháng sau em đi rồi. Chị em em xin được visa qua Mỹ với ba mẹ nuôi rồi thầy.
Hôm trước chị quản lý có nhắc chuyện này. Hai vợ chồng một Việt kiều Mỹ có tiệm làm móng (nail) rất lớn bên đó xin nhận hai chị em bé Loan làm con nuôi sau khi nghe về hoàn cảnh của các bé.
- Ba má nuôi thương em lắm, thầy à. Từ nhỏ tới lớn, em chưa bao giờ được ba má thương.
Giọng con nhỏ đột nhiên lí nhí như nghẹn lại. Nó im lặng. Tôi cũng im lặng. Bất chợt, con nhỏ đổi giọng hoạt bát:
- Nhưng mà, em vẫn thấy may mắn. Giống như là người ta nói, trong cái rủi có cái may. Khi em gặp bất hạnh, em mới biết mới cảm nhận được tình người… Em nói với cô bảo mẫu rồi, mai mốt em lành nghề, em sẽ về chỉ lại các bạn. Bởi vậy, chưa bao giờ em trách giận ba mẹ em, trách giận số phận em.
Bé Loan còn nói nhiều điều hứng thú khác. Nhưng lúc này, thực tâm tôi không để ý nhiều lắm những câu chuyện cô nhóc nói. Tôi đang chú tâm nhìn những nhánh hồng đang vươn nở trong nắng mai, sau cơn mưa rất to tối qua. Và tôi đã nghĩ tới việc quay về xin lỗi mẹ ngay sau khi kết thúc khóa thực tập ở đây.
Có một điều mà tôi học được những cô bé này, đó là sự tha thứ… Điều đó khiến những gương mặt thiên thần tôi gặp ở đây có vẻ đẹp tựa những nụ hồng vẫn nở trong nắng mai ngoài hiên.