Bài dự cuộc thi “Hoa giữa đời thường”

Hoa hậu ngồi xe lăn

Hoa hậu ngồi xe lăn

Trong đêm trao giải cuộc thi “Hoa hậu Người khuyết tật” năm 2006 tổ chức tại Hà Nội, khi nghe Ban tổ chức xướng tên mình là chủ nhân của chiếc vương miện, sau khoảnh khắc sung sướng như muốn vỡ tung lồng ngực, Tạ Bích Hường lặng lẽ quay đi khóc ngon lành vì xúc động... Nhưng thầy cô, bè bạn thì không hề ngạc nhiên bởi từ lâu chủ nhân của website www.nguoikhuyettat.org đã nổi tiếng là cô gái khuyết tật xinh đẹp và đa tài…

  • Những tấm bưu thiếp khởi nghiệp

Răng khểnh, hai má luôn ửng hồng, tóc dài xanh mướt, vóc dáng xinh đẹp của Hường làm những người tiếp xúc với chị lần đầu không khỏi chạnh lòng thương cảm mà thốt lên hai từ “giá như”… Thật lạ, như đọc được ý nghĩ của tôi, chính Hường lại là người an ủi: “Ông trời còn thương Hường lắm anh ạ…”.

Hoa hậu ngồi xe lăn ảnh 1

Tạ Bích Hường duyên dáng trong chiếc áo dài thướt tha. Ảnh: T.H.

Gần được một tuổi, đôi chân của cô bé Hường kháu khỉnh chưa kịp chập chững bước những bước đi đầu đời bỗng nhiên cứ teo dần. Cha mẹ dốc cạn đến những đồng xu cuối cùng để chạy vạy khắp nơi mong tìm thầy giỏi, thuốc hay, vậy mà Hường vẫn không thể thành người lành lặn…

Tật nguyền nhưng bù lại, ngay từ nhỏ cô bé đã xinh đẹp và thông minh. Càng lớn Hường lại càng xinh đẹp, thùy mị, học giỏi và khéo tay, từ thêu thùa may vá cho đến nữ công gia chánh, việc gì Hường cũng làm rất khéo. Không cam chịu số phận, Hường luôn sống lạc quan và nỗ lực để thực hiện ước mơ phải vào được đại học và nhất định sẽ làm việc gì đó có ích cho đời.

Ước mơ của Hường đã trở thành hiện thực khi Hường nhận được giấy báo thi đỗ vào Trường ĐH Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (nay là Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Nhiều người trong gia đình, họ hàng vừa mừng vừa lo nhưng riêng mẹ thì luôn tin vào tính tự lập của Hường.

Xa gia đình, từ đồng chiêm nước mặn Hà Nam lên Hà Nội học, Hường vào ở ký túc xá, bầu bạn với cơm suất, giường tầng. Không mặc cảm về mình, cũng không giương cái mác “khuyết tật” để trông chờ sự ưu ái của thầy cô, bè bạn, Hường học rất chăm, lại thông minh vốn sẵn tư trời nên luôn đứng tốp đầu trong lớp. Không chỉ học giỏi, Hường còn rất khéo tay và đa tài.

Những tấm bìa, xấp giấy màu xanh đỏ, những cọng cỏ, cánh hoa khô… được Hường tha lôi về chất đầy một góc giường rồi cứ rảnh tay là chị cắt cắt dán dán. Khi nhận được tặng phẩm là những tấm bưu thiếp muôn hình ngàn vẻ ngộ nghĩnh từ tay Hường, bạn bè phục sát đất. Nhận phản hồi tốt về đứa con tinh thần của mình, Hường quyết chí làm bưu thiếp để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Chiêu thức tung sản phẩm ra thị trường của cô cũng thật độc đáo.

 “Những lần tham gia hội nghị, hội thảo hay tọa đàm về người khuyết tật, mình tranh thủ mang bưu thiếp ra tiếp thị. Cũng nhờ mình “lanh miệng” mà bán được rất nhiều, có buổi tiêu thụ được cả trăm tấm! Ban đầu thấy lạ người ta ngó một cái, sau gật gật, ờ cũng hay nhỉ, mình tặng thêm một nụ cười hiền nữa. Thế là mua!” - Hường kể. Ấn tượng trước việc làm của Hường, bè bạn xắn tay vào tiếp sức, người giúp tay kéo, người phết đường keo, người chở sản phẩm đi bỏ mối cho các cửa hàng lưu niệm.

Khi việc làm ăn thuận lợi, trong đầu Hường nảy sinh ngay ý tưởng nhất định phải có một nơi cho những bạn bè cùng cảnh ngộ đang làm việc tại các cơ sở tăm tre, thủ công mỹ nghệ tại các tỉnh thành và Hà Nội tham gia kinh doanh. Hường nghĩ ngay đến lập trang web để đưa các sản phẩm của họ lên giao dịch điện tử. Hường nhờ một người bạn chở đến từng cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ của những người đồng cảnh ngộ ở Hà Nội và Hà Tây để chia sẻ ý tưởng và trực tiếp kiểm tra sản phẩm để đưa lên mạng chào bán.

Sau đó, cô bắt tay vào lập trang web, những khó khăn bắt đầu nảy sinh: tài chính, thời gian, kỹ thuật… Hường kể: “Cũng có lúc mình định bỏ cuộc vì khó khăn nhiều thứ quá, đang lúc “bí” thì được anh Trịnh Công Thanh, “hiệp sĩ Công nghệ thông tin” giúp đỡ. Và cả hai anh em đã quên ăn, quên ngủ, ngày đêm miệt mài thiết kế trang web”. Cuối cùng website www.vndisability.net của Hường đã ra đời. Nhờ website này, nhiều cơ sở sản xuất của người khuyết tật có thêm mối làm ăn mà anh em thợ không phải đi chào hàng vất vả.

Khi lượng người truy cập ngày càng đông, Hường cùng một số bạn bè đã nâng cấp trang web thành www.nguoikhuyettat.org. Trang web của Hường được thiết kế rất hiện đại, thông tin phong phú đăng tải tất cả các tin tức trong nước và quốc tế về mọi mặt đời sống xã hội nhưng quan trọng vẫn là cập nhật những tin tức liên quan đến người khuyết tật: gương sáng về cậu bé viết bằng chân, thông tin về khóa đào tạo hướng nghiệp cho thanh thiếu niên thiệt thòi thông qua hoạt động của xưởng bảo dưỡng, sửa chữa xe lăn của người khuyết tật Hà Nội, nào tin vui lạ “Nhà hàng mang phong cách... bệnh viện” ở Đài Bắc, nào trọng tài ngồi xe lăn ở Anh…

Ngoài ra, trang web có hẳn một diễn đàn, nơi giao lưu, tâm sự học hỏi của tất cả các bạn khuyết tật... Có lẽ quan trọng nhất là gian “chợ” hay còn gọi là “shopping”, khu chợ ảo này đã thu hút rất đông người truy cập, chia sẻ và mua hàng.

  • Và nhân viên đa năng

Gắn chặt với chiếc xe lăn, mọi hoạt động đều rất khó khăn, ấy thế nhưng Hường luôn sống rất hòa đồng với chúng bạn trong những sinh hoạt đời thường (thậm chí cô còn cười cười tự nhận là tính mình ham vui nữa) và tích cực tham gia công tác xã hội. Là tình nguyện viên trong Câu lạc bộ vì trẻ em khuyết tật, Hường được giao nhiệm vụ làm thủ quỹ. Hường còn là người sáng lập ra Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật của Trường ĐH Quản lý và Kinh doanh Hà Nội.

Ban đầu thấy Hường nói chuyện thành lập nhóm, các bạn lắc đầu quầy quậy vì cho rằng làm thế là mình tự cô lập mình. Ai dè về sau, với tài hùng biện của mình, Hường giúp mọi người hiểu và nhập cuộc. CLB cũng nhận được nhiều tài trợ học bổng của các tổ chức trong và ngoài nước, tha hồ cho các hội viên học miễn phí tiếng Anh, tin học...

Hường cũng từng để lại nhiều ấn tượng trong lòng các các nhà tuyển dụng lao động khi vẫn còn là sinh viên đại học. Lần ấy, mang hồ sơ “phi” xe lăn tới hội chợ việc làm ở Giảng Võ, mục tiêu của Hường không phải để xin việc mà là quyết tâm làm thay đổi nhận thức của các nhà tuyển dụng. Lúc đó, chẳng có gian hàng nào tuyển người khuyết tật. Hường nhớ lại: “Ngoài việc chứng tỏ được năng lực của mình, tôi còn đưa ra mười lý do để các cơ quan, đơn vị nên tuyển người khuyết tật”. Nghe cô bé ngồi xe lăn thuyết trình, nhiều nhà tuyển dụng đã giật mình.

Năm sau, khi cô đến hội chợ thì nhiều nhà tuyển dụng đã có cái nhìn khác về lao động là người khuyết tật. Vậy là cô Hoa hậu khuyết tật đã chính thức trở thành nhân viên của Công ty Du lịch Dương Anh. Công việc của Hường là phụ trách việc bán vé máy bay và tiếp thị các sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế.

“Mình thiếu đôi chân chứ không phải là người khuyết tật” - đấy là câu Hường thường nói để đáp lại những ánh mắt thương hại của mọi người. Thế nên, ai tiếp xúc với Hường cũng ngay lập tức có thiện cảm và bị chinh phục bởi sự tự tin, vui tươi và duyên dáng của cô. 

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục