Sáng nay 26-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Trước đó, vào ngày 19-11, Quốc hội đã nghe Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình dự án luật này và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án ở 16 tỉnh và thành phố, kết quả hòa giải, đối thoại thành công đạt 78,08% đã cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
“Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với TAND Tối cao về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết.
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội đóng góp cho dự án “Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án” vào sáng 26-11 tại nghị trường Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đa số các đại biểu tán thành việc ban hành luật này, vì ý nghĩa, lợi ích và sự cần thiết của luật này với nhân dân và cuộc sống.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, TAND Tối cao sẽ tiếp thu và diễn đạt lại, sau đó sẽ cùng Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp điều chỉnh để luật có tính khả thi, có chất lượng hơn khi đưa vào áp dụng.
Ghi nhận có nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi dự án luật này trùng với các thiết chế hòa giải khác đã có, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay chúng ta có 9 thiết chế hòa giải. Tuy nhiên, có thể chia làm 2 loại: một là hòa giải trước tố tụng và hai là hòa giải trong tố tụng.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, luật này là hòa giải trước tố tụng và có nét tương đồng với hòa giải ở cơ sở, hòa giải lao động, hòa giải thương mại…
Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ, các thiết chế hòa giải trước thì được tiến hành khi các tranh chấp, mâu thuẫn chưa đến mức kiện ra tòa. Còn luật này được áp dụng khi đã đến mức kiện ra tòa, nếu như tòa không hòa giải nữa thì phải mở phiên xét xử, tức là một vụ án dân sự hoặc hành chính đã bắt đầu.
Lý giải vì sao lại phải hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại tòa, Chánh án TAND Tối cao cho rằng, do hòa giải là nỗ lực trong suốt quá trình tố tụng, cần thiết phải có một lần hòa giải nữa nên chúng ta mới xây dựng thiết chế luật này.
Tiếp theo, trong quá trình tố tụng cũng sẽ có một lần hòa giải nữa và do thẩm phán tiến hành. Mặc dù một số đại biểu Quốc hội cho là không cần thiết phải có thêm hòa giải nữa nếu đã có hòa giải theo quy định của luật này rồi, nhưng Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, hòa giải là nỗ lực xuyên suốt quá trình tố tụng, "thậm chí đến phiên giám đốc, chúng tôi vẫn khuyến cáo 2 bên ngồi lại hòa giải với nhau. Nếu hai bên thống nhất thì dừng phiên tòa, kể cả bản án đã có giám đốc thẩm", Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Tuy nhiên, đề cập vai trò của các hòa giải viên được nêu trong dự án luật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, với luật này, vai trò của các hòa giải viên sẽ năng động, linh hoạt, mềm dẻo hơn thẩm phán hòa giải.
Cụ thể, anh thẩm phán không được phép đưa ra lời khuyên, khi hòa giải chỉ được căn cứ vào luật là bên A đúng, bên B sai. Nếu xử thì bên B phải đền cho bên A, ví dụ bao nhiêu tiền, kể cả vốn lẫn lãi. Nhưng hòa giải viên hoàn toàn có thể đưa ra lời khuyên, ví dụ bên A nợ bên B 100 triệu đồng cả gốc và lãi, nhưng do anh A hoàn cảnh khó khăn, nên có thể khuyên anh B chấp nhận nhận 80 triệu đồng tiền gốc, bỏ lãi đi để kết thúc câu chuyện, khỏi phải tranh chấp, ra tòa. Trong khi thẩm phán thì không được phép làm như thế.
Thêm nữa, hòa giải viên có quyền mời người khác tham gia hòa giải, ví dụ có thể mời thầy giáo, linh mục, thượng tọa, già làng trưởng bản (những người uy tín) tham gia… Còn thẩm phán thì không được mời những người này tham gia trong quá trình tố tụng.
Nếu hòa giải viên có thể chọn địa điểm để hòa giải do các bên tự thỏa thuận; còn thẩm phán khi tiến hành hòa giải trong quá trình tố tụng thì phải làm việc trong giờ hành chính và tại cơ quan.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Anh không được phép đưa ra ngoài, ra ngoài là vi phạm, vì không biết anh hòa giải hay tiêu cực gì. Thẩm phán không được đến nhà, đưa nhau ra quán, tiếp xúc với một bên đương sự… Hòa giải viên có thể đến nhà cũng được, không bắt buộc phải làm việc trong cơ quan”.
"Hòa giải viên có thể đến nhà, rủ nhau ra quán, tâm tình, động viên, khơi dậy lòng vị tha, sẵn sàng chia sẻ", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói thêm.
Tuy vậy, vẫn có những quy định trách nhiệm và cấm kỵ cho hòa giải viên. Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong quá trình làm việc, bản thân anh hòa giải viên phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, không vi phạm điều cấm, “phải bảo vệ bí mật, không phải câu chuyện họ tâm sự với anh, lý do tại sao người ta tranh chấp, lý do vợ chồng ly hôn… người ta nói hết “thâm cung bí sử” với anh thì anh phải có nghĩa vụ bảo vệ, không thể đem câu chuyện đi kể cho người khác.