TPHCM là địa phương được đánh giá thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở (viết tắt HGƠCS) khá tốt, góp phần giảm số vụ việc tranh chấp phải chuyển đến cơ quan chức năng, cơ quan tòa án giải quyết, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và các chi phí của công dân lẫn Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả công tác HGƠCS vẫn còn hạn chế; một trong những nguyên nhân là văn bản hòa giải thành không có giá trị pháp lý, chưa tạo được sự tin tưởng nơi người dân.
Kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý tình huống của các hòa giải viên cơ sở được nâng cao thông qua cuộc thi hòa giải viên giỏi
30 chưa phải là tết
Năm 2016, bà N.T.H.N. thỏa thuận chuyển nhượng cho ông N.N.N. một phần mảnh đất ở khu phố 5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, có diện tích 48m2 với giá 380 triệu đồng. Hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (không có công chứng) và ông N. đã giao toàn bộ tiền theo thỏa thuận. Tuy nhiên, chờ một thời gian, ông vẫn không nhận được đất, dẫn đến hai bên phát sinh mâu thuẫn. Tháng 6-2016, tổ hòa giải của khu phố 5 tiến hành hòa giải vụ việc. Qua trao đổi giữa các bên cho thấy lý do bà N. chưa thể giao phần đất như đã thỏa thuận là do chưa thực hiện được thủ tục tách thửa. Tại buổi hòa giải, bà N. cam kết đến ngày 1-10-2016 sẽ giao phần đất đã chuyển nhượng cho ông N., và tổ hòa giải đã lập văn bản hòa giải thành vụ việc.
Tưởng vụ tranh chấp đến đây là xong, nhưng sau đó ông N. tìm hiểu và biết được theo quy định pháp luật hiện hành về tách thửa thì phần đất ông nhận chuyển nhượng từ bà N. không đủ điều kiện để tách thửa, từ đó không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Vì vậy, ông N. muốn hủy bỏ hợp đồng, đề nghị bên bán trả lại tiền cho mình nhưng bà N. không đồng ý. Ông N. làm đơn gửi ra phường. Tháng 3-2017, UBND phường Linh Xuân tổ chức hòa giải tranh chấp giữa các bên. Bà N. cho biết chỉ có thể trả cho ông N. 60 triệu đồng/năm, từ năm thứ tư trả 100 triệu đồng/năm. Phía ông N. không chấp nhận, yêu cầu bà N. phải trả một lần trong vòng 15 ngày. Hội đồng hòa giải đưa ra các phương án và phân tích, vận động hai bên thực hiện nhưng cả hai không thống nhất được phương án hòa giải, do vậy UBND phường Linh Xuân phải ra thông báo hòa giải không thành.
Phớt lờ vì thiếu chế tài
TPHCM hiện có 6.663 tổ hòa giải với 26.839 hòa giải viên cơ sở. Từ năm 2014 đến 2016, các tổ hòa giải tiếp nhận 10.639 vụ việc hòa giải, trong đó có 7.477 vụ việc được hòa giải thành. Đa số các hòa giải viên tiến hành hòa giải đối với các mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung; tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con.
Những vụ việc dù đã được hòa giải thành ở cấp cơ sở nhưng sau đó một hoặc cả hai bên đổi ý, dẫn đến không thực hiện thỏa thuận tương tự như trên không phải là ít. Theo bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật Sở Tư pháp TPHCM, nguyên nhân là khoản 2 Điều 25 Luật HGƠCS có quy định “Trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên”. Nhưng thế nào là sự kiện bất khả kháng thì lại không được nêu cụ thể trong luật này, nên nhiều người vin vào điểm này để tránh né thực hiện giao ước đã thống nhất trước đó và cũng không cần phải chứng minh lý do mình đưa ra có thật sự bất khả kháng hay không. Bên cạnh đó, pháp luật không quy định chế tài đối với những trường hợp không thực hiện văn bản hòa giải thành mà không phải vì sự kiện bất khả kháng. Việc văn bản hòa giải thành không có giá trị pháp lý, không có cơ chế đảm bảo thực hiện làm người dân giảm sự tin tưởng vào đội ngũ hòa giải viên. Khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, với suy nghĩ “có hòa giải thành cũng chưa chắc xong mà lại mất thời gian”, người dân không đến với hòa giải viên mà có khuynh hướng tìm đến UBND phường, xã, thị trấn hoặc đưa đơn đến tòa án yêu cầu giải quyết; và vì vậy làm mất đi ý nghĩa, hiệu quả công tác HGƠCS trong việc giải quyết mâu thuẫn có lý có tình ngay từ cơ sở, đảm bảo tình làng nghĩa xóm.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; theo đó, HGƠCS là 1 trong 5 tiêu chí tiếp cận pháp luật. Điều này lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác HGƠCS trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân, qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư. Vì vậy, những “hạt sạn” làm giảm hiệu quả hoạt động hòa giải cần sớm được khắc phục.