Hóa giải thách thức, tạo đà tăng trưởng quý 2

Cục Thống kê (GSO) vừa công bố tình hình kinh tế cả nước 3 tháng đầu năm, theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước ước đạt 6,93% - tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025 và TPHCM tăng 7,5% - cũng là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.

Có được kết quả tích cực này là nhờ cả nước, nhất là TPHCM đã tận dụng tốt chuỗi hoạt động lễ, tết cuối năm 2024 và tháng Giêng - đầu năm 2025. Du lịch, với mức tăng trưởng ấn tượng 26,7%, đã chứng minh sức mạnh của ngành công nghiệp không khói trong việc kéo kinh tế đi lên.

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông - đô thị của thành phố và liên vùng được thúc đẩy, khởi công đã tạo động lực mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Cùng với đó, các động thái tháo gỡ quyết liệt các vướng mắc của TPHCM đã mở ra một hy vọng mới, khôi phục lại niềm tin và tinh thần đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đặc biệt, tinh thần chỉ đạo đi liền cam kết hành động có tính tập trung cao, nhất quán, quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm đã sớm được nghị quyết hóa trong từng lĩnh vực trọng yếu, từ tinh gọn bộ máy công vụ đến phát triển khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. Quan điểm “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất” của Tổng Bí thư đã thổi một làn gió mới không chỉ trong cộng đồng doanh nhân mà cả toàn xã hội.

Tuy nhiên, với cú “địa chấn” thuế quan mới của Hoa Kỳ thì việc tận dụng đà tăng trưởng của quý 1-2025 có ý nghĩa quyết định duy trì đà tăng trưởng các quý còn lại của năm. Tương tự cách ứng phó nhanh chóng của Chính phủ, TPHCM đã bắt tay ngay vào việc thiết kế các kịch bản tăng trưởng trước tác động của thuế quan mới của Hoa Kỳ.

Theo đó, thành phố có thể tiếp cận một số biện pháp như tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào thông qua chương trình kích cầu hỗ trợ lãi vay; tiếp tục tăng cường phát triển du lịch - là ngành ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan với việc kiến nghị mở rộng thêm quốc gia miễn visa, có thêm các sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển kinh tế đêm, trung tâm mua sắm…

Thành phố tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công, trong đó: tập trung hoàn thành dự án đường Vành đai 3 TPHCM và khởi công dự án đường Vành đai 2 (đoạn còn lại), đường Vành đai 4 TPHCM, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, tuyến Metro số 2 trong năm 2025; chú trọng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội và giải quyết di dời, chỉnh trang, tái bố trí nhà trên và ven kênh rạch.

Cùng với tổng lực chuẩn bị các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và phối hợp tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 là các giải pháp tập trung giải quyết, tháo gỡ các dự án vướng mắc, tồn đọng, kéo dài, nhạy cảm, xử lý dứt điểm các điểm nóng khiếu kiện đông người; phấn đấu phối hợp đảm bảo giải quyết 50% công trình, dự án thuộc thẩm quyền của Trung ương, 100% công trình, dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố trong năm 2025. Việc giải quyết các dự án tồn đọng là chìa khóa quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư và tháo gỡ các rào cản phát triển.

Để tạo bệ đỡ tốt nhất cho thành phố trước những biến động khó lường của thế giới và khu vực, TPHCM cũng mong muốn Chính phủ sớm tăng tốc tháo gỡ các dự án tồn đọng thuộc thẩm quyền của Trung ương; sớm định hình việc sắp xếp, hoàn chỉnh bộ máy, ranh giới tỉnh thành sau sáp nhập; thúc đẩy nhanh hơn nữa giúp các dự án, chương trình động lực của thành phố như Trung tâm Tài chính quốc tế, dự án đường Vành đai 4 TPHCM, Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ sớm có chuyển động, tạo lập được hình hài bước đầu.

Thành phố cũng cần được phân cấp, ủy quyền triệt để trong một số lĩnh vực, đầu việc tiềm năng, lợi thế để duy trì mức tăng trưởng cao như kinh tế đêm, dịch vụ ven sông, thương mại điện tử, miễn visa cho tất cả các nước OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế); các dự án nhà ở, tập trung vào nhà ở xã hội, kênh rạch…; hình thành các dự án khu công nghiệp chuyên đề, trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu vừa là trụ đỡ vừa là lực đẩy cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục