PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, xung quanh dự thảo mới này.
* Phóng viên: Thưa ông, dự thảo lần này có gì mới so với các dự thảo trước và Quy hoạch điện VII?
- Ông TRẦN VIẾT NGÃI: Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công thương trình Chính phủ vào đầu tháng 4-2022, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 chỉ còn khoảng 146.000MW (giảm khoảng 35.000MW so với dự thảo trước). Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW. Giảm quy mô đầu tư theo quy hoạch gần 2 triệu tỷ đồng, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỷ đồng.
Điểm mới của quy hoạch này là ủng hộ phát triển các nguồn điện mới, nhất là năng lượng tái tạo để giảm triệt để phát thải khí CO2. Theo đó, sẽ giảm tối đa điện than với tỷ trọng giảm dần còn 25,7% vào năm 2030 và còn 9,6% vào năm 2045; đồng thời phát triển mạnh các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, điện sinh khối...) với tỷ trọng tăng dần lên gần 24% vào năm 2030 và tăng lên hơn 50% vào năm 2045.
Như vậy, mặc dù Quy hoạch điện VIII có những điểm mới so với Quy hoạch điện VII nhưng điểm hạn chế là không xác định được cụ thể cần bao nhiêu dự án, những dự án gì, nằm ở đâu, thời gian cấp phép - khởi công - hoàn thành… Trong khi Quy hoạch điện VII đến nay vẫn triển khai chưa hết, chưa xong.
* Ủng hộ phát triển năng lượng tái tạo nhưng tại sao gần đây chúng ta lại lo nguồn điện mặt trời gia tăng ồ ạt, gây thừa điện; vẫn phải duy trì một phần tỷ trọng điện than trong quy hoạch mới?
- Theo quan điểm của chúng tôi, năng lượng tái tạo cần phải được phát triển mạnh, nhưng chỉ giúp một phần trong kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam. Bởi khi có gió, có ánh nắng mặt trời thì mới có điện. Chúng ta muốn giảm dần tỷ lệ điện than thì phải thay bằng năng lượng tái tạo. Và khi chưa kịp thay thế thì chắc chắn tỷ lệ nguồn điện than chưa thể giảm nhanh.
Điều này có nghĩa là quy hoạch mới phải tính toán thật chính xác cơ cấu, tỷ lệ cân đối giữa năng lượng tái tạo và năng lượng truyền thống. Theo tôi, với nguồn năng lượng tái tạo, cần phải tính toán cụ thể cơ cấu, bố trí vùng miền hợp lý để tránh tình trạng quá tải cục bộ như hiện nay. Kèm theo đó là lưới truyền tải phải được đầu tư đồng bộ, khắc phục ngay tình trạng tắc nghẽn. Để tránh tình trạng “nay lo thừa mai lo thiếu”, cũng cần xác định giá trị và công suất nguồn điện gió, điện mặt trời nên chiếm bao nhiêu, như năm nay nên phát bao nhiêu, năm sau phát bao nhiêu… Muốn làm được việc này, cần phải tính được chính xác cung - cầu điện.
* Dự báo về dài hạn chúng ta sẽ thiếu điện. Theo ông, Quy hoạch điện VIII cần đề ra giải pháp gì để “lo xa” trước dự báo này mà vẫn đảm bảo cam kết về môi trường với quốc tế?
- Trên tinh thần chung là tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, tôi cho rằng Chính phủ cần khuyến khích phát triển các nguồn điện mới có tính quy mô và bền vững hơn. Theo đó, điện gió ngoài khơi chính là nguồn quan trọng nhất trong tương lai, có thể thay thế được năng lượng điện truyền thống như than, khí… Chúng ta có thể xây dựng, lắp đặt các tuabin với công suất lớn, đạt 47-50MW mỗi trụ, trong khi điện gió trong bờ chỉ đạt 2-3MW. Điện gió ngoài khơi có thể đặt ở các địa điểm gần bờ nhất chỉ hơn 20km, xa nhất chỉ 50-60km tùy theo độ sâu mặt biển. Điểm hạn chế là cần có công nghệ đặc biệt và đầu tư vốn lớn.
* Có nhiều tập đoàn muốn đầu tư điện gió ngoài khơi ở biển Việt Nam không?
- Nhiều tập đoàn trên thế giới nhìn thấy tiềm năng và hiệu quả của điện gió ngoài khơi ở biển Việt Nam. Bên cạnh tập đoàn của Anh, hiện nay có một tập đoàn của Singapore cũng đang chủ trương đầu tư. Cách đây một tuần, đại diện một tập đoàn của Nga cũng cho biết có nhu cầu xây dựng dự án điện gió ngoài khởi ở nước ta và trước đó là một tập đoàn của Đan Mạch. Về giá điện gió ngoài khơi, ví dụ như Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) cho biết, họ không cần Chính phủ phải đưa ra giá mua điện là 9,8 cent/kWh như đã công bố, mà giá bán sẽ càng ngày càng hạ, chỉ cần 4-5 cent/kWh.
* Nhưng trong Quy hoạch điện VIII có tạo cơ hội cho phát triển loại hình điện gió ngoài khơi này không, thưa ông?
- Chúng ta có bờ biển dài trên 3.200km, có tiềm năng rất lớn về điện gió ngoài khơi, có thể bố trí đồng đều khu vực, không bị cục bộ ở Nam Trung bộ, Nam bộ như điện mặt trời. Trong Quy hoạch điện VIII cũng đã nhắc tới điện gió ngoài khơi nhưng chỉ ít thôi. Theo tôi, các nhà soạn thảo quy hoạch vẫn chưa nhìn được tiềm năng của loại điện này. Do vậy, quan trọng hiện nay để giải bài toán thừa - thiếu điện là: tầm nhìn và hiểu biết, bản lĩnh và sự quyết tâm cao. Việc thiếu điện trong 10-20-30 năm tới chắc chắn sẽ diễn ra nếu không bố trí hợp lý, không có cơ chế rõ ràng, không tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện một cách quyết liệt. Từ cách đây 30 năm, khi miền Nam và miền Trung còn thiếu điện trầm trọng, nhà máy thì không xây kịp, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra quyết định đầu tư đường dây 500kV để kéo điện dư thừa từ miền Bắc vào miền Nam, trở thành công trình lịch sử, nhờ có tầm nhìn và bản lĩnh như vậy.