Việc sửa đổi lần này liệu có khắc phục được nghịch lý “nơi có tiền không tiêu được, chỗ lại không đủ vốn để sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả dự án”? Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
* PHÓNG VIÊN: Thưa Thứ trưởng, trong 9 tháng đầu năm, cả nước ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Hiện vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước. Ông có bình luận gì?
* Thứ trưởng TRẦN QUỐC PHƯƠNG: Rõ ràng là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa được như chúng ta mong muốn. Có nhiều lý do, khách quan lẫn chủ quan, trong đó có việc Luật Đầu tư công hiện hành còn những điểm hạn chế. Vì thế mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.
* Theo ông, dự thảo luật có những nội dung nào mang tính đột phá, góp phần khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công hiện nay?
* Như Chính phủ đã nêu rõ trong tờ trình về dự án luật, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn gồm: nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đây đều là những quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện tại và thiết lập khung khổ pháp lý kiến tạo phát triển. Tư duy kiến tạo đương nhiên không dễ chút nào, bởi vì cởi mở nhưng vẫn phải quản lý được, phòng chống được tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
* Các chính sách mà Thứ trưởng liệt kê đều quan trọng, nhưng đâu là nút thắt lớn nhất, có thể gây tranh luận nhất?
* Tôi cho rằng đó là quy định về phân cấp, phân quyền phê duyệt chủ trương đầu tư từ HĐND sang chủ tịch UBND các cấp. Có ý kiến cho rằng quy định như vậy có thể dẫn đến lạm quyền, tiêu cực. Tuy nhiên, rủi ro này sẽ được khắc chế, vì dự thảo luật được thiết kế theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Điều này giúp khắc phục được một phần tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ vì đã xác định rõ thẩm quyền và quy trình thực hiện.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ còn trình sửa đổi nhiều dự án luật khác có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật) để tạo ra môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động đầu tư công.
* Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn với quy trình một kỳ họp, trong khi số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn không khỏi khiến một số ý kiến băn khoăn, thưa ông?
* Do việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 bắt đầu vào năm 2025 nên Luật Đầu tư công (sửa đổi) được đề xuất có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Nếu luật được thông qua tại kỳ họp này, gần như toàn bộ kế hoạch 2026-2030 được áp dụng theo luật sửa đổi, do vậy sẽ không có bước chuyển tiếp phức tạp hoặc có các dự án phải áp dụng cả hai luật. Bên cạnh đó, quá trình soạn thảo, thẩm tra đã được thực hiện rất nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các cơ quan có trách nhiệm.
Góp phần gỡ vướng giải phóng mặt bằng
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Đại biểu Quốc hội TRẦN ANH TUẤN, Trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM, nhận định, một điểm “đột phá” quan trọng khác trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) là cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (Luật Đầu tư công hiện hành chỉ cho phép tách riêng giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A).
Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án... Từ thực tiễn TPHCM có thể thấy, quy định này chính là một bước nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác điều hành, xử lý các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án của địa phương.
Cùng với đó, một vướng mắc lâu nay về bố trí vốn cho các dự án đầu tư, sửa chữa, xây dựng nhỏ… không đúng vào “điểm rơi” bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn tới đây sẽ được tháo gỡ nhờ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật về tài chính, ngân sách, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước. Khi chi những khoản này theo pháp luật về đầu tư công, dự án phải thực hiện theo quy trình khá phức tạp, mặc dù giá trị không lớn.
Nếu dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì không được chi, nếu chi là vi phạm. Tới đây, Luật Ngân sách nhà nước được đề nghị sửa đổi theo hướng quy định rõ các nhiệm vụ được bố trí từ nguồn chi đầu tư, chi thường xuyên và các khoản chi như trên được phép bố trí từ nguồn chi thường xuyên, giúp tạo thêm thuận lợi cho các dự án.