Hóa giải nghịch lý của bóng đá Việt

Nam Định lần đầu tiên vô địch V-League - cũng là chức vô địch quốc gia đầu tiên sau 39 năm nếu tính từ thời điểm Công nghiệp Hà Nam Ninh lên ngôi số 1 Việt Nam năm 1985. Điều này đồng nghĩa, từ năm 2020 đến nay, có đến 3 đội bóng lần đầu đăng quang ở V-League, lần lượt là: Thể Công (2020), CAHN (2023) và Nam Định (2024).

Hóa giải nghịch lý của bóng đá Việt

Đáng chú ý hơn khi đây đều là những tên tuổi vang bóng một thời, đều là những “cựu vô địch” trước khi V-League ra đời. Quá trình làm bóng đá của họ gặp nhiều khó khăn, Nam Định từng 7 năm chơi bóng tại giải hạng nhì, các đội bóng như CAHN hay Thể Công thậm chí đã phải giải thể khi bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp.

Điều này chứng minh sức sống bền bỉ của nền bóng đá, cũng như sức hút của V-League. Bất chấp những khó khăn khách quan trong bối cảnh hiện nay, các nguồn lực xã hội vẫn đang “sát cánh” cùng bóng đá Việt Nam ở cả đội tuyển quốc gia và cấp CLB. Các CLB như CAHN hay Nam Định được đầu tư rất lớn trong 2 năm vừa qua, thu hút được nhiều cầu thủ giỏi. Về lý thuyết, điều này sẽ thúc đẩy chất lượng của các trận đấu, nâng cao thu nhập cầu thủ và gia tăng sức mạnh cho đội tuyển quốc gia.

Song những diễn biến thực tế cho thấy “năng lực” của bóng đá Việt Nam đã đi xuống trong gần 2 năm trở lại đây. Đội tuyển quốc gia rơi ra khỏi tốp 100 FIFA, V-League chỉ đứng hạng 4 về “chỉ số sức mạnh” tại khu vực Đông Nam Á, trong khi theo “điểm số năng lực” của LĐBĐ châu Á (AFC) thì bóng đá Việt Nam chỉ đứng hạng 14 và vì thế các CLB không nhận được suất tham dự AFC Champions League Elite (Cúp C1 châu Á). Tính đến nay, chưa từng có CLB nào của Việt Nam vượt qua vòng đấu bảng của giải đấu hàng đầu châu lục cấp CLB này ngoài 2 lần vào bán kết AFC Cup (Cúp C2). Bên cạnh đó, hiện không còn cầu thủ Việt Nam đang chơi bóng chính thức ở nước ngoài, ngoài trường hợp Công Phượng đang “dưỡng già” tại J-League 2.

Bóng đá là môn thể thao số 1, với lượng người hâm mộ đông đảo và rất đam mê, đồng thời không thiếu nguồn lực xã hội đầu tư, từ các thương hiệu quốc tế, doanh nghiệp FDI tham gia tài trợ đội tuyển cho đến những thương hiệu nội địa đổ tiền vào sở hữu các CLB, khao khát vô địch V-League; thế nhưng, vị thế của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế thiếu ổn định, phụ thuộc vào tính chu kỳ, đẳng cấp chưa cải thiện một cách rõ rệt. Nghịch lý này cần được hóa giải!

Giải pháp căn cơ là phải làm sao kết hợp được nguồn lực, đam mê của xã hội để chuyển đổi thành sức mạnh cho từng thành phần của nền bóng đá. Đơn cử như trường hợp của Nam Định, vẫn chưa rõ sau chức vô địch lịch sử thì liệu họ có tiếp tục đầu tư duy trì sức mạnh để tiếp tục cạnh tranh danh hiệu và theo đuổi những đỉnh cao ở châu Á? Ở đây cần có sự động viên về tinh thần, hỗ trợ về cơ chế, chia sẻ về tầm nhìn đến từ LĐBĐ Việt Nam hay công ty VPF để tất cả các CLB - trong đó tân vương Nam Định có thêm động lực, nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong sự lớn mạnh của nền bóng đá và tiếp tục đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là khâu đào tạo trẻ mang tính bền vững, dài hạn.

Tin cùng chuyên mục