Triển lãm trưng bày gần 150 tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên kể từ khi ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), cho đến khi ông di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sĩ (1968-1993) và mất tại đây.
Xuyên suốt sự nghiệp, họa sĩ đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát của cố họa sĩ với hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo...
Họa sĩ Trần Phúc Duyên thuộc thế hệ sau cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sống và làm việc tại châu Âu nhưng ông chọn sử dụng sơn mài - một chất liệu truyền thống của Việt Nam xuyên suốt cho các sáng tác hội họa của mình. Ông nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo với sơn mài, đưa sơn mài từ mỹ nghệ tới mỹ thuật.
Ace Lê, giám tuyển của triển lãm, chia sẻ: “Họa sĩ Trần Phúc Duyên là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sĩ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí sang trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây”.
Nói về những tác phẩm mang đậm hồn quê Việt Nam của họa sĩ Trần Phúc Duyên, hai nhà sưu tập của Phạm Lê Collection chia sẻ: “Là những người con xa quê, chúng tôi đã thật sự xúc động khi lần đầu đứng trước những sáng tác đậm tình quê hương của ông. Ngắm nhìn những bức tranh đang còn vương bụi thời gian, dần mở lại những ký họa được lưu trữ, lần giở những cuốn sổ tay của ông, chúng tôi thầm hứa sẽ đưa ông trở về với quê hương trong một ngày thật gần. Chúng tôi tin rằng những người yêu nghệ thuật và cái đẹp ở Việt Nam sẽ chào đón ông, để tâm hồn ông sau bao năm xa quê sẽ được bay lượn trên những cánh đồng lúa trĩu bông vùng Hà Tây xứ Đoài, ngắm nhìn Vịnh Hạ Long, nơi ông và các bạn đồng lứa năm xưa cùng nhau đi thực tế lấy mẫu sáng tác, đắm mình dưới những đêm trăng tĩnh mịch, và hơn tất cả, để ông trở về với đất mẹ yêu thương”.
Triển lãm mở cửa đón khách từ nay đến hết ngày 6-8, tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (số 189B/3 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM).