Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA cho biết, Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-6-2025 quy định việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả hộ và cá nhân kinh doanh. Điểm mới đáng chú ý là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế.
Theo bà Cúc, hiện cả nước có khoảng 6 triệu hộ kinh doanh nhưng mới có 1,3 triệu hộ kê khai nộp thuế. Do đó, để tạo thuận lợi cho các hộ, cá nhân kinh doanh trong việc xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế đối với từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, việc áp dụng các giải pháp công nghệ số là hết sức cần thiết.

Ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc MISA cho rằng, việc tuân thủ quy định về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tư nhân, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Việc áp dụng hóa đơn điện tử vừa giúp kê khai thuế nhưng thông qua ứng dụng này sẽ quản lý được cửa hàng như biết được lượng khách hàng, thời điểm khách đông, mặt hàng ưa thích để có định hướng kinh doanh, chăm sóc khách hàng và hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng.
Trong khi đó, bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội cho biết, nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ thuế, tiếp tục duy trì tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ, không xuất hóa đơn và thiếu bộ phận kế toán chuyên trách. Họ cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận phần mềm hóa đơn điện tử, đặc biệt ở khu vực nông thôn và với người lớn tuổi.
Do đó, việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước chuyển quan trọng, giúp nâng cao minh bạch và hiệu quả quản lý tài chính, nhưng các hộ kinh doanh cần có sự chuẩn bị hợp tác với đối tác uy tín để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tuân thủ pháp lý.