Tiếc hóa đơn bị hủy
Mặc dù theo quy định của Luật Quản lý thuế, đến giữa năm 2022 cả nước mới thực hiện HĐĐT, thế nhưng theo Quyết định 1832 của Bộ Tài chính thì TPHCM và 5 tỉnh, thành khác (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ) đã đủ điều kiện về hạ tầng nên phải áp dụng HĐĐT từ đầu tháng 11-2021. Trong khi đó, HĐĐT theo quy định mới khác xa với khái niệm HĐĐT theo quy định cũ.
Cụ thể, nếu trước đây HĐĐT được thực hiện trên phương tiện điện tử (hầu hết in từ máy tính), thì nay Thông tư 78 của Bộ Tài chính quy định HĐĐT gồm các loại: hóa đơn có mã của cơ quan thuế, hóa đơn không có mã (của DN có hạ tầng như điện, nước, viễn thông) và hóa đơn từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, hoàn toàn chạy trên nền tảng công nghệ, không cần phải in ấn. Ông Thái Minh Giao, Cục phó Cục Thuế TPHCM cho biết, dù TPHCM đã có 173.500 DN (chiếm 75% DN) sử dụng HĐĐT theo quy định cũ, thế nhưng chỉ có 118 DN thực hiện thí điểm HĐĐT có mã xác thực, tức đủ điều kiện theo quy định mới. Như vậy, số lượng DN phải chuyển đổi theo quy định mới là rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, đại diện một DN tại quận 1 phản ánh, tháng 11 phải triển khai HĐĐT theo quy định mới, nhưng đầu tháng 11 mới tập huấn, trong khi vừa bước qua đợt cao điểm dịch Covid-19 nên mọi thứ không chuẩn bị kịp. Ông Võ Quốc Việt, đại diện một DN ở quận Tân Bình than, những tháng qua có quá nhiều DN không kinh doanh được nên hóa đơn còn tồn và đề nghị, những DN còn tồn hóa đơn đã phát hành theo điều khoản chuyển tiếp của Thông tư 78 thì ngành thuế nên tạo điều kiện cho DN tiếp tục sử dụng, tránh lãng phí.
Ngoài ra, theo quy định về hóa đơn của Luật Quản lý thuế, trước đây DN xuất khẩu sử dụng hóa đơn thương mại, nay quy định mới buộc sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cũng gây khó cho DN. Nhiều DN bức xúc, hóa đơn xuất khẩu trước đây bắt phát hành riêng thành hóa đơn thương mại, chưa xài hết lại bỏ, giờ quay lại hóa đơn giá trị gia tăng. Các DN này cho rằng, đã đồng bộ hóa thì không cần hóa đơn xuất khẩu, vì khi xuất khẩu đã truyền tờ khai hải quan rồi. Và phía nước ngoài cũng không thừa nhận HĐĐT của phía DN Việt Nam; như vậy, có xuất hóa đơn cũng chủ yếu là xuất… bỏ, nhưng lại tăng thêm chi phí cho DN, nên cần thay đổi quy định này.
Lợi ích nhiều hơn chi phí
Công nghệ là xu hướng của thời đại, nhưng nhiều DN vẫn lo ngại “áp dụng HĐĐT thì phải có cơ sở hạ tầng, máy móc hiện đại; trong khi công ty nhỏ đã có kế toán, giờ lại thuê thêm nhân viên công nghệ thông tin để quản trị? Nếu nghẽn mạng thì sao xuất hóa đơn?”, chị Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương chợ Bình Điền, lo lắng. Điều này được ông Phạm Trí Dũng, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ, Cục Thuế TPHCM giải thích, DN, hộ kinh doanh không cần phải thuê nhân sự công nghệ thông tin, mà có thể ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ truyền dữ liệu như hợp đồng cung cấp HĐĐT trước đây. DN sẽ được cung cấp phần mềm và phần mềm này giúp DN khi xuất hóa đơn sẽ được truyền dữ liệu đến cơ quan thuế cùng lúc với chuyển hóa đơn cho khách hàng. Nếu có vấn đề về mạng thì được tạm sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cung cấp.
Một số tiểu thương tại chợ An Đông cho rằng, áp dụng HĐĐT khá phức tạp, tiểu thương khó có thể đáp ứng được yêu cầu về công nghệ. Điều này đã được Bộ Tài chính ban hành trong Thông tư số 88 hướng dẫn về chế độ kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, có hiệu lực vào đầu năm 2022. Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được lựa chọn áp dụng chế độ kế toán DN siêu nhỏ. Thậm chí, cho phép hộ kinh doanh được bố trí người nhà làm kế toán mà không đòi hỏi phải đủ bằng cấp theo quy định. Chị Đinh Thị Ngọc Thủy (quận 5) cho rằng, dịch Covid-19 vừa qua khiến người kinh doanh bị thiệt hại nặng nề, việc áp dụng HĐĐT thời điểm này sẽ tăng thêm chi phí, cần gói hỗ trợ về thuế cho người kinh doanh.
Vấn đề này được cán bộ Cục Thuế TPHCM trả lời rằng, trường hợp có nhiều người khó khăn được UBND TPHCM kiến nghị thì Bộ Tài chính sẽ xem xét có phương án hỗ trợ. Còn về chi phí, lúc đầu người kinh doanh chưa quen sẽ thấy nặng nề, nhưng về lâu dài lợi ích từ HĐĐT là rất lớn. Cụ thể, DN giảm được chi phí in ấn hóa đơn, quản lý hóa đơn chặt chẽ; DN không phải nộp bảng kê khai hóa đơn hàng tháng, hàng quý; DN và khách hàng có thể xuất hóa đơn bất kỳ nơi đâu, không cần phải đi lại hay lưu trữ... Đặc biệt hơn, khi áp dụng HĐĐT, ngành thuế quản lý dữ liệu kịp thời sẽ tránh trường hợp mua bán hóa đơn giả, hóa đơn không hợp pháp như trước đây.
Để hỗ trợ DN chuyển đổi và đăng ký HĐĐT theo quy định mới, Cục Thuế TPHCM thành lập Trung tâm Điều hành triển khai HĐĐT để hỗ trợ DN. Theo đó, DN muốn giải đáp thắc mắc về HĐĐT, có thể gọi vào đường dây nóng 028.3770.2288 (bấm phím nội bộ số 8) để được hỗ trợ. |