Cụ thể, những ngày TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố đã về quê tránh dịch, không dùng điện, nước. Nhưng khi trở lại thành phố, nhiều người ngạc nhiên khi thấy hóa đơn tiền điện, nước cao ngất. Có hộ gia đình phản ánh, hóa đơn tiền nước tăng gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần so với thời gian trước.
Về việc này, đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết: Những tháng giãn cách xã hội, nhân viên điện lực không đi thu tiền điện được, nên tạm thời thu tiền theo hóa đơn của những tháng trước đó. Sắp tới, nhân viên ngành sẽ kiểm tra và ghi đúng số điện dùng thực tế ở hộ gia đình, công ty sẽ trả lại phần chênh lệch tiền đã thu của khách hàng.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng hợp tác - truyền thông, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho hay, theo bạn đọc Báo SGGP phản ánh, đúng là thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp. Trong đó có hộ gia đình đường ống nước bị bể từ bên trong; có người thuê trọ về quê tránh dịch, xả nước mà quên đóng đồng hồ, khiến chủ nhà trọ bị thiệt thòi... Ở điều kiện bình thường, đơn vị cấp nước sẽ tiếp cận đồng hồ nước tại nhà khách hàng mỗi tháng/lần để kiểm tra và ghi chỉ số nước sử dụng. Các đợt giãn cách xã hội kéo dài trong nhiều tháng, khiến việc tiếp cận đồng hồ nước không thực hiện được. Vì vậy, đơn vị cấp nước phải xác định lượng tiêu thụ hàng tháng của khách hàng theo phương pháp giả định, từ trung bình 3 kỳ gần nhất trước đó. Bản thân phương pháp giả định luôn có rủi ro sai số, sai số lớn hơn do thời gian giãn cách kéo dài.
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn nhận thấy bất cập này nên đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước tăng cường kết nối, giao tiếp trong giải quyết khiếu nại của khách hàng. Khách hàng thấy chỉ số đồng hồ nước chưa chính xác xin thông báo đơn vị cấp nước để có sự điều chỉnh phù hợp.