Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 8-4, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải đã đọc báo cáo trước cơ quan thường trực của Quốc hội nêu quan điểm về Báo cáo số 121/BC-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ủy ban TCNS nhận định, trước những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp và người lao động, Ủy ban cơ bản nhất trí với chủ trương triển khai hỗ trợ người dân của Chính phủ, song lưu ý thêm rằng, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, do tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ cần tính đến những biện pháp trong dài hạn để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và ổn định xã hội, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đáng lưu ý, theo Ủy ban TCNS, chế độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 từ ngân sách nhà nước (NSNN) là chính sách chi NSNN hết sức quan trọng và cấp bách, có phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, không có nội dung trái luật và hiện nay chưa có quy định cụ thể.
Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 20 của Luật Ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, về thẩm quyền quyết định sử dụng một phần tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách nhà nước, theo quy định tại khoản 5 Điều 20 và khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương. Vì vậy, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng một phần nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn là đúng thẩm quyền quy định.
Riêng với khoản tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách địa phương do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định (theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước). Do đó, việc quy định sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách địa phương năm 2019 để hỗ trợ không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Chính phủ cần rà soát quy định này để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tính khả thi trong thực tiễn, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của các địa phương (thực tế, có địa phương đã quyết định sử dụng nguồn lực này).
Về hỗ trợ gián tiếp (cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...), Ủy ban TCNS cho rằng, đây là những nội dung áp dụng khác với quy định của pháp luật hiện hành, cần trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trong điều kiện khẩn cấp cần có những biện pháp kịp thời, cấp thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trong khi Quốc hội chưa thể họp thì Chính phủ báo cáo UBTVQH để xin chủ trương và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất là cần thiết.
Liên quan đến đối tượng, mức hỗ trợ, Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về các nhóm đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và đề nghị cân nhắc thêm một số vấn đề. Trong đó, đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đối tượng thụ hưởng (như đối với người có công và lao động tự do…) để không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện. Về mức hỗ trợ: cần rà soát, quy định cụ thể để người dân gặp khó khăn duy trì cuộc sống tối thiểu, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các nhóm đối tượng và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.
Về hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động được vay với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Ủy ban TCNS cho rằng, việc thực hiện chính sách này là cần thiết và phù hợp với điều kiện hiện nay. Do đó, thống nhất với đề nghị Chính phủ để thực hiện ngay chính sách này, song cần quy định chặt chẽ, gắn trách nhiệm của người sử dụng lao động và hỗ trợ của nhà nước.
Liên quan đến tỷ lệ hỗ trợ các địa phương: Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc… không để xảy ra tình trạng ban hành chính sách nhưng không đảm bảo nguồn lực để thực hiện.
Tựu trung, cơ quan thẩm tra đồng ý cho phép Chính phủ thực hiện ngay và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 về các nội dung liên quan hỗ trợ gián tiếp cho người lao động... liên quan đến quy định của Luật Việc làm, các quy định về Bảo hiểm thất nghiệp và các quy định của pháp luật khác. Trên cơ sở ý kiến kết luận của UBTVQH, đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện. Giao Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên.