Ngày 1-10, đại diện Báo SGGP tại Kon Tum đã đến thăm và trao tiền ủng hộ đợt 1 cho Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei (thị trấn Đắk Glei, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) để giúp trường có thêm kinh phí nấu cơm miễn phí cho học sinh nghèo.
Trước đó, Báo SGGP đã phản ánh việc các giáo viên của trường này lo sợ học sinh nghỉ học nên góp tiền nấu cơm trưa cho học sinh.
Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei là trường vùng sâu, học sinh phần đông là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trường cũng không thuộc diện bán trú nên không có chế độ nấu ăn trưa cho học sinh.
Trong khi đó, theo lịch học, có hàng chục em học mỗi ngày 2 buổi, nhưng bố mẹ thường xuyên lên rẫy nên không có người nấu ăn. Cũng có em sáng học, trưa về nhà nhưng chiều lại không đến lớp dù có lịch học.
Để các em không bị nghỉ học, hàng chục giáo viên của trường đã tự góp tiền, góp gạo, mì tôm, thịt heo, sau đó kêu gọi thêm mạnh thường quân cùng ủng hộ để nấu cơm trưa cho các em. Nhờ đó, từ tháng 9-2018 đến nay, hàng chục học sinh được ăn trưa miễn phí do chính các giáo viên của trường làm đầu bếp.
Bài viết đăng trên Báo SGGP đã làm nhiều bạn đọc xúc động, cảm mến trước tấm lòng của giáo viên vùng cao nơi đây. Và để giúp trường có thêm kinh phí để cải thiện bữa cơm cho các em, Quỹ Xã hội - Từ thiện Báo SGGP quyết định hỗ trợ 20 triệu đồng. Số tiền này chia làm 2 đợt, mỗi đợt 10 triệu đồng. Đợt 2 sẽ được trao vào đầu năm sau. Báo SGGP sẽ tiếp tục vận động để kêu gọi ủng hộ cho trường.
Thầy Trần Xuân Ninh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei cảm ơn Báo SGGP đã quan tâm đến trường và cam kết sẽ sử dụng số tiền ủng hộ vào đúng mục đích chăm lo bữa ăn cho học sinh nghèo.
Thầy Ninh cũng thông tin thêm, trường có 411 học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh người đồng bào chiếm hơn 66%… Riêng năm học 2019-2020, trường tự nấu ăn buổi trưa miễn phí cho từ 28-33 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những em ở xa trường, điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Thầy Ninh cũng vui mừng cho biết, sau bài báo đăng trên SGGP, nhiều người ở xa biết việc làm có ý nghĩa của trường nên cũng có đặt vấn đề ủng hộ, giúp đỡ.
Theo thầy Ninh, cái khó khăn lớn nhất của trường hiện tại là chưa có bếp ăn và nhà ăn nên việc phục vụ ăn uống cho các em vẫn diễn ra tạm bợ ngay tại khuôn viên và phòng học. Để xây dựng được khu nhà ăn và bếp ăn ước tính chi phí khoảng 80 triệu đồng. Trường cũng mong muốn xây dựng được khu bếp ăn và nhà ăn để việc nấu ăn miễn phí thuận lợi, đảm bảo hơn nhưng do chưa có điều kiện nên vẫn chưa thể triển khai.