Hỗ trợ thiên tai phù hợp hơn

Trong tháng 9, bão số 3, số 4 và mưa lũ đã gây ra những thiệt hại rất lớn ở miền Bắc và miền Trung. Trong đó, chỉ tính riêng thiệt hại ở miền Bắc ước tính lên tới hơn 60.000 tỷ đồng.

Trong số đó, thiệt hại về nông nghiệp là rất lớn (khoảng 195.000ha lúa, 47.700ha hoa màu và hơn 3,1 triệu gia súc, gia cầm chết hoặc bị cuốn trôi); chưa tính thiệt hại về thủy lợi, sạt lở đất. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp (150.000ha rừng trồng bị ảnh hưởng) phải chờ 5-7 năm nữa mới tái tạo, phục hồi được.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng GRDP của nhiều địa phương không chỉ bị ảnh hưởng trong quý 3 mà còn kéo dài sang quý 4, làm giảm dự báo tăng trưởng cả năm.

Để bù đắp phần nào thiệt hại, giúp nông dân và doanh nghiệp tái thiết, chính sách hỗ trợ là rất quan trọng. Nhưng, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Nghị định 02 năm 2017 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đến nay đã bộc lộ nhiều điểm bất cập sau hơn 7 năm thực hiện. Bộ NN-PTNT chỉ rõ rằng, mức hỗ trợ cho các hộ nông dân, trang trại và hợp tác xã chưa đủ chi tiết và không còn phù hợp với giá cả hiện tại; các địa phương cũng đang áp dụng mức hỗ trợ không đồng nhất...

Do đó, Nghị định 02 cần sớm được điều chỉnh để quy định rõ mức hỗ trợ theo từng loài gia súc, gia cầm và sản phẩm thủy sản phù hợp với thời gian nuôi hoặc trọng lượng phù hợp tình hình giá cả thực tế. Đồng thời, việc xác định thiệt hại cần phải rõ ràng, minh bạch hơn, bao gồm cả mức hỗ trợ cho giống thủy sản. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo công bằng. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cần thiết xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp, bởi nhóm này có nguy cơ rủi ro cao hơn trước thiên tai, dịch bệnh. Việc hỗ trợ kịp thời và tương xứng có thể giúp phục hồi nhanh hoặc duy trì hoạt động sản xuất.

Để thực hiện hiệu quả những kiến nghị trên, các địa phương cần căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách và thực tế sản xuất để quy định mức hỗ trợ chi tiết. Sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của Chính phủ sẽ không chỉ giúp giảm bớt thiệt hại do thiên tai mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

Thay đổi chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ là chìa khóa để giúp người dân và doanh nghiệp tái thiết, vững vàng vượt qua khó khăn, thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Tin cùng chuyên mục