Hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số

Ngày 24-11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số”.
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số”
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số”

Tại hội thảo, các đại biểu và khách mời đã thẳng thắn chia sẻ những thông tin, giải pháp về khởi nghiệp số, những kỹ năng cần có khi khởi nghiệp. Đặc biệt, các bạn thanh niên khuyết tật đã chia sẻ những khó khăn mà mình gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, xin việc, cũng như học tập…

Một trong 35 gương được tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm nay là bạn Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ quảng cáo B-ONE (tỉnh Đắk Lắk).

Dương Đình Bảo chia sẻ: “Năm 2015, tôi bị tai nạn và từ đó luôn mặc cảm với hai từ khuyết tật. Tôi hụt hẫng. Quá trình xin việc khó khăn, tôi nhận thấy người bị khuyết tật rất khó hòa nhập. Năm 2016, tôi thành lập công ty về thiết kế đồ họa, tự chủ phát triển kinh tế và đào tạo, tạo việc làm cho những người đồng cảnh”.

Hiện nay, kênh Tiktok của công ty có hàng chục ngàn người theo dõi. Dương Đình Bảo rất muốn kết nối và nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành khác, để tạo nghề cho người khuyết tật, cũng như những người yêu thích đồ họa.

Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống, một doanh nghiệp xã hội hỗ trợ người khuyết tật chia sẻ, thực tế tại Việt Nam có đến 6,2 triệu người khuyết tật nhưng một tỷ lệ lớn trong số đó vẫn đang thất nghiệp, số người có việc làm thì công việc bấp bênh, không thuộc thị trường chính thức, thu nhập thấp.

Những trăn trở đó đã thôi thúc chị cùng đội ngũ của Trung tâm Nghị lực sống luôn nỗ lực giúp đỡ, đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế hòa nhập toàn diện vào cộng đồng. Chị mong muốn giúp người khuyết tật được tự tin khi ra đường, được tiếp cận với giáo dục và sau đó đi làm, tự kiếm thu nhập nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, từ gia đình hay nguồn hỗ trợ từ thiện...

Anh Trịnh Công Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam cho biết, hiện có nhiều bạn trẻ khuyết tật đã, đang kinh doanh thành công trên nền tảng số ở các mảng như: quảng cáo, in ấn, đào tạo dạy nghề cho thanh niên khuyết tật; tham gia vào sàn thương mại điện tử để bán sản phẩm của quê hương…

Theo anh Thanh, trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam có nhiều người đã nỗ lực giống như diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vuijic. Những tấm gương sáng cũng như kinh nghiệm mà các bạn chia sẻ, là kiến thức rất hữu ích, là động lực cho các bạn trẻ khuyết tật nói riêng và các bạn trẻ nói chung trên con đường lập nghiệp.

Tin cùng chuyên mục