Hỗ trợ tâm lý học sinh trong mùa dịch

Sau gần 2 tháng dạy - học theo phương pháp trực tuyến, giáo viên và học sinh các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM đã hoàn thành chương trình nửa đầu học kỳ 1. Song song với việc dạy kiến thức, các thầy, cô còn trở thành những người bạn chia sẻ buồn vui với học sinh trong mùa dịch bệnh.
Trong mùa dịch bệnh, học sinh rất cần được thầy, cô đồng hành và hỗ trợ tâm lý. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong mùa dịch bệnh, học sinh rất cần được thầy, cô đồng hành và hỗ trợ tâm lý. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trải nghiệm chưa từng có!

 Năm học 2021-2022 đã bước vào tuần học thứ 9 nhưng với cô T.D., giáo viên chủ nhiệm lớp 4 một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, đây là năm học có quá nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo trẻ cho biết, ngay tuần lễ đầu tiên, ở chủ điểm “Thương người như thể thương thân” của môn tiếng Việt, phân môn tập đọc có bài thơ “Mẹ ốm” của tác giả Trần Đăng Khoa. Những năm học trước, cô thường mở đầu tiết học bằng việc cho học sinh chia sẻ kỷ niệm về một lần cha, mẹ hoặc người thân của mình bị ốm, bản thân các em đã làm gì để chăm sóc người thân.

“Năm nay, do học theo hình thức trực tuyến, thời gian tương tác bị hạn chế nên tôi tranh thủ hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm bài thơ. Vừa đọc hai câu mở đầu Mọi hôm mẹ thích vui chơi - Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu, một học trò của tôi lặng lẽ tắt micro và thoát tiết học…”, cô T.D. nhớ lại. Linh cảm có gì đó không ổn, sau khi tiết học kết thúc, cô chủ động gọi điện hỏi thăm học sinh.

Qua trao đổi với phụ huynh, cô biết được mẹ của em đang điều trị Covid-19 tại một bệnh viện dã chiến. Hiểu được nỗi buồn của em, cô đã gửi lời động viên cũng như cầu chúc mẹ em mau bình phục. Từ tiết học đó, cô giáo trẻ tự dặn mình phải cẩn trọng hơn trong việc sử dụng từ ngữ, lựa chọn các hoạt động trong tổ chức tiết học để không vô tình gợi lại chuyện buồn của học sinh trong giai đoạn nhạy cảm.

Với cô T.N., Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, một trường THCS ở TP Thủ Đức, tuần lễ “đệm” (hướng dẫn học sinh phương pháp học tập, chưa bắt đầu triển khai chương trình năm học mới - PV) đầu năm học 2021-2022 có ý nghĩa rất đặc biệt.

Cô trò lần đầu tiên tương tác, giáo viên phải vận dụng tối đa các kỹ năng nghe, nói, thậm chí đoán tính cách, sở thích của học sinh qua từng biểu tượng các em gửi khi trò chuyện. Song, câu nói của một học sinh trong lớp khiến cô day dứt mãi. Ở phần tự giới thiệu bản thân, khi được hỏi về dự định nghề nghiệp tương lai, một học sinh đã trả lời cô bằng giọng hậm hực “Con không cần ai thương hại”. “Hai tiếng “thương hại” như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt khiến tôi vừa giận vừa thương cô học trò nhỏ của mình. Sự quan tâm, lo lắng của thầy, cô nếu thể hiện không đúng cách hoặc vào thời điểm không phù hợp sẽ không được học sinh tiếp nhận, trái lại càng đẩy các em ra xa mọi người hơn”, giáo viên này tâm sự.

Đồng hành lâu dài

Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, toàn thành phố có hơn 1.500 học sinh mồ côi do dịch Covid-19. Trong đó, bậc tiểu học chiếm khoảng 40% với hơn 600 học sinh, bậc THCS có 700 học sinh và hơn 200 học sinh ở các bậc học khác. Thực tế này đã và đang đặt ra cho ngành giáo dục một thử thách rất lớn trong việc vừa đồng hành, chia sẻ với học sinh vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục các em.

Theo PGS-TS Đinh Đức Hợi, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý, sự đồng hành của giáo viên cần thực hiện dựa trên 4 nguyên tắc gồm: bảo mật, tôn trọng, lâu dài và có sự phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, ở nguyên tắc bảo mật, giáo viên cần đảm bảo giữ kín thông tin cá nhân của học sinh, hoàn cảnh gia đình các em cũng như những cuộc tiếp xúc riêng (nếu có) giữa giáo viên và học sinh.

Từng xảy ra tình trạng học sinh trở nên thu mình, không hợp tác với giáo viên khi thông tin về hoàn cảnh gia đình các em được chia sẻ trên diễn đàn trường dù với mục đích hỗ trợ. Với nguyên tắc lâu dài, giáo viên cần xác định việc nâng đỡ tâm lý cho học sinh là việc làm lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì chờ đợi đến khi học sinh cảm thấy an toàn và sẵn sàng chia sẻ. Trong nhiều trường hợp, việc hỗ trợ phải chuyển tiếp qua nhiều bậc học khi các em chuyển cấp từ tiểu học lên THCS và THPT.

TS Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, bày tỏ, những kỹ năng nói trên không chỉ đòi hỏi giáo viên phải trang bị để hỗ trợ học sinh trong mùa dịch mà còn cần thiết trong việc hỗ trợ học sinh gặp các sang chấn tâm lý trong cuộc sống hàng ngày. Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò như những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh với đầy đủ nhận thức, kiến thức, kỹ năng để kịp thời đồng hành và hỗ trợ học sinh trong cả việc học lẫn quá trình phát triển lâu dài.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng khẳng định, để hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc đồng hành cùng các em, đặc biệt trong giai đoạn học tập chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Mới đây, tại buổi tập huấn về chăm sóc sức khỏe tâm lý học sinh trong mùa dịch do Phòng GD-ĐT quận 3 phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, các giáo viên đã chia sẻ kinh nghiệm về những lời “nên nói” và “không nên nói” với học sinh khi có người thân tử vong vì mắc Covid-19.

Theo ThS Nguyễn Thị Diễm My, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trẻ có người thân tử vong do mắc Covid-19 thường có cảm xúc buồn bã, thất vọng, bất an, cô đơn, mệt mỏi… Vì vậy, thầy, cô giáo cần nói những lời thông cảm, chia sẻ, thấu hiểu với nỗi đau và mất mát của các em, nắm hiểu từng giai đoạn chuyển biến tâm lý để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Tin cùng chuyên mục