Trong hơn 2 tháng tạm thời ngưng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nhiều đơn vị nghệ thuật phải nỗ lực để nuôi bộ máy.
Sau hơn 2 tháng tạm thời ngưng tất cả các hoạt động tổ chức biểu diễn, đời sống của những người làm việc có liên quan đến hoạt động tổ chức biểu diễn, giải trí bị ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt, các đơn vị doanh nghiệp ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật bị mất nguồn thu, phải gánh lỗ.
Từ đầu tháng 4-2020, Sở VH-TT TPHCM đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật kịch nói, sân khấu truyền thống, các cụm rạp chiếu phim ngoài công lập trên địa bàn TPHCM, về việc đề nghị cung cấp thông tin, đề xuất, kiến nghị. Sở tập hợp, đề xuất UBND TPHCM có giải pháp nhằm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm gặp nhiều khó khăn.
Đạo diễn Ái Như (sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh) chia sẻ: “Khó khăn chung mang tính đặc thù của các sân khấu xã hội hóa bao lâu nay rất nhiều, từ kịch bản, con người, đến mặt bằng sân khấu, giờ thêm dịch bệnh nữa thì khó khăn thêm chồng chất. Tuy mất hẳn nguồn thu nhưng công ty vẫn phải trả lương cho anh em, dù chỉ có thể trả được 50% lương hỗ trợ. Chi phí này tuy không quá lớn, nhưng vẫn là con số thâm hụt về kinh tế khiến chúng tôi lo lắng vô cùng”. Ông “bầu” sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn cũng cho biết: “Sau khi nhận được công văn của Sở VH-TT, chúng tôi đã làm văn bản phản hồi và đến nay vẫn đang chờ sự hỗ trợ từ Sở VH-TT và UBND TPHCM”.
Nhà hát Sân khấu kịch 5B là một sân khấu xã hội hóa có nhiều hoạt động tổ chức biểu diễn phục vụ công tác tuyên truyền, được khán giả yêu mến. Tuy nhiên thời gian qua, sàn diễn này gặp rất nhiều khó khăn, NSƯT Mỹ Uyên phải nhiều lần chạy vạy, vay mượn để có thể thắp sáng đèn sàn diễn. Trong hơn 2 tháng qua, khi sân khấu tạm ngưng hoạt động, nhiều nghệ sĩ, diễn viên thất nghiệp, không thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
NSƯT Mỹ Uyên trăn trở: “Ở góc độ người làm quản lý và là một nghệ sĩ, tôi luôn mong muốn giữ ngọn lửa mà các bậc tiền bối đã gầy dựng cho sân khấu thể nghiệm đặc biệt này. Tôi gồng mình đi vay ngân hàng, mượn bạn bè hơn 800 triệu đồng để sửa sang lại cơ sở vật chất và từng bước thực hiện đầu tư dàn dựng gần 20 vở mới phục vụ khán giả. Sân khấu mở cửa lại từ tháng 3-2018, nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi vốn, khó khăn cứ chồng chất khó khăn. Tết rồi, tôi lại đi vay thêm tiền đầu tư kịch tết, để sàn diễn có thể sáng đèn. Lực lượng nhân viên và các khâu kỹ thuật mà nhà hát hiện nay phải lo là gần 20 người. Anh chị em đa số đều là dân ở tỉnh lên thành phố thuê nhà ở, sống nhờ vào lương nhà hát hỗ trợ hàng tháng chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng (không có bảo hiểm) và nhận thêm khoản thu ít ỏi theo suất diễn hàng tuần”.
Việc hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, là việc làm cấp thiết, quan trọng. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp ngoài công lập không đơn độc, cần có sự hỗ trợ, tiếp sức từ cơ quan quản lý văn hóa, UBND TPHCM. Những giải pháp cấp bách có thể là hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê địa điểm trong vài tháng sau dịch, hỗ trợ về tiền bạc cho lực lượng nhân viên hậu đài, tài trợ kinh phí dàn dựng vở…