* PHÓNG VIÊN: Tại thảo luận tổ đại biểu Quốc hội về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, các ý kiến đều tán thành sự cần thiết xúc tiến một chương trình với quy mô đủ lớn, đủ sâu rộng. Tuy nhiên, dường như nguồn ngân sách dành cho chương trình khiêm tốn hơn nhiều so với đề xuất ban đầu của Bộ KH-ĐT?
* Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Có những ý kiến so sánh quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam với các nước. Nhưng phải thấy rằng mỗi nước đều có điều kiện khác nhau về tiềm lực tài chính, về đặc thù của nền kinh tế; tính an toàn hệ thống, an ninh tài chính quốc gia. Các bước đi phải hết sức thận trọng.
Thực tế, khả năng hấp thụ của nền kinh tế còn hạn chế, giải ngân đang còn rất chậm, cả đầu tư công lẫn đầu tư tư nhân; bây giờ có thêm một khoản nữa thì việc tiêu tiền sao cho có hiệu quả cũng không đơn giản. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận xét nhiều lần chúng ta chưa lo chuyện thiếu tiền, ít tiền, mà lo có hấp thụ được hay không.
Cho nên, sau khi cân nhắc toàn diện mọi khía cạnh thì mức độ, quy mô của chương trình như dự thảo sẽ giúp tăng khoảng 1,2% GDP/năm là vừa phải, khả thi, phù hợp với khả năng huy động, khả năng giải ngân, và quan trọng nhất là đảm bảo ổn định vĩ mô, các cân đối khác của nền kinh tế.
* Có ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội về vấn đề này cuối tuần qua còn băn khoăn về những tác động bất lợi, như có thể làm tăng thêm nợ xấu, đẩy lạm phát... Bộ trưởng phân tích thêm về vấn đề này?
* Khi thiết kế chương trình hỗ trợ, Chính phủ đã tính toán rất kỹ cơ cấu quy mô, tính cân đối, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tính hiệu quả và khả thi của việc đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong năm 2020-2021, nhiều chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai quyết liệt, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế vượt qua khó khăn của dịch bệnh; đồng thời vẫn duy trì thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào nhưng không làm tăng lạm phát.
Trên tinh thần hỗ trợ tối đa, hiệu quả cho nền kinh tế gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Chính phủ xác định 6 nhóm giải pháp tiền tệ hỗ trợ chương trình, bảo đảm nguyên tắc hài hòa, phối hợp tốt với chính sách tài khóa. Các chính sách dự kiến tác động lan tỏa mạnh mẽ trên tổng thể kinh tế vĩ mô, cũng như dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Chỉ tính tác động lan tỏa của gói hỗ trợ lãi suất và các biện pháp điều hành tiền tệ để thực hiện, sẽ tác động đến khoảng 1 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng mỗi năm.
Chính phủ đã đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia, cũng như môi trường đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp, người dân, người lao động như đã báo cáo đầy đủ với Quốc hội.
Tuy nhiên, việc lượng hóa tổng quy mô các giải pháp tiền tệ (lượng tiền cung ứng) trong chương trình là khó khả thi, vì nhiều lý do. Theo cơ sở dữ liệu về giải pháp hỗ trợ của các quốc gia ứng phó với đại dịch Covid-19, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng chỉ thống kê tổng quy mô các chương trình hỗ trợ tài khóa, không thống kê tổng quy mô mà chỉ liệt kê, mô tả các giải pháp tiền tệ.
Cuối cùng, vẫn phải nhắc lại là quy mô quan trọng, nhưng quan trọng hơn là dòng hỗ trợ phải đến được đúng, trúng đối tượng cần hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện, nếu thực sự cần thiết thì Chính phủ sẽ nghiên cứu, báo cáo thêm với Quốc hội. Quốc hội đã xác định rất rõ tinh thần đồng hành với Chính phủ nên tôi tin tưởng là nếu có những luận cứ xác đáng thì Quốc hội sẽ xem xét kịp thời. Thực tế là vậy suốt thời gian qua.
* Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, “sức khỏe” doanh nghiệp bị bào mòn rất nhiều, họ không dám vay vốn. Vậy thì những ưu đãi về lãi suất có phát huy tác dụng được không, thưa bộ trưởng?
* Đó là câu chuyện của thị trường. Nhà nước không thể bơm tiền cho những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Tiền của Nhà nước là tiền thuế của nhân dân. Doanh nghiệp nào được xác định là đủ điều kiện vay vốn thì được hỗ trợ lãi suất 2%. Năm 2009, chúng ta cấp bù lãi suất mà không đúng đối tượng, phạm vi, để lại những hậu quả nghiêm trọng mà nhiều năm sau mới khắc phục được. Lần này, Chính phủ đã trình với Quốc hội những giải pháp kỹ thuật rất cụ thể để kiểm soát rủi ro.
* Quá trình triển khai tới đây cần lưu ý đặc biệt điều gì?
* Đó là tổ chức thực hiện làm sao cho tốt. Thứ nhất, chúng ta đã nỗ lực hoàn thiện chính sách để tạo thuận lợi cho việc thực thi chương trình - nổi bật là việc sửa đổi bổ sung nhiều đạo luật mà Quốc hội cũng xem xét thông qua tại kỳ họp này - tới đây là công tác chuẩn bị, triển khai.
Thứ hai, hệ thống kiểm tra từ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, HĐND các cấp… phải giám sát chặt chẽ. Thứ ba, các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt. Nếu triển khai không tốt là có khuyết điểm với dân, với nước vì vừa không phục hồi được, vừa để lại những hậu quả nặng nề sau này.
Tinh thần khi thiết kế chương trình này là phải nhanh, rõ, dễ làm, nhưng cũng phải có công cụ kiểm tra giám sát tổ chức thực hiện. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với địa chỉ trách nhiệm rõ ràng của từng cấp, từng ngành là yếu tố quyết định nguồn lực chảy đúng vào lĩnh vực mong muốn, nền kinh tế hấp thụ được và tình hình nhanh chóng cải thiện.
Tình hình rất gấp gáp, nếu không khẩn trương thì chỉ riêng khâu chuẩn bị lại mất hàng tháng, hàng quý. Bối cảnh hiện nay thật sự là áp lực rất lớn đối với Chính phủ và các địa phương, nên mới cần những cơ chế đặc biệt như chỉ định thầu hay phân cấp quyết định dự án có vốn ODA... Cũng với tinh thần đó mà Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường này.