Sáng 7-7, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội nghị về tăng cường thu hút đầu tư và đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại TPHCM. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường dự hội nghị.
Hết thời chi phí rẻ
Phát biểu khai mạc, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh, nếu như thuế không còn là ưu thế thì môi trường đầu tư là yếu tố quan trọng nhất để thu hút đầu tư. Thời gian qua, TPHCM rất nỗ lực cải thiện giao thông, dự án logistics, hạ tầng, khôi phục chuỗi cung ứng, đào tạo nhân lực chất lượng cao. TPHCM đang đối diện vấn đề làm thế nào thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư hiện hữu.
Trình bày trước hội nghị về tình hình thu hút đầu tư của TPHCM, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Đào Minh Chánh cho biết, những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư trên thế giới, là điểm sáng thu hút đầu tư của khu vực. Trong đó, TPHCM là nơi mà nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất. Tính từ năm 1988 đến ngày 20-6-2023, số cấp mới và điều chỉnh dự án còn hiệu lực trên địa bàn Thành phố hiện nay có 11.868 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 81,29 tỷ USD, dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước.
Một số khó khăn trong thu hút đầu tư tại TPHCM, là tình trạng kẹt xe, ngập nước, triều cường, ô nhiễm… khiến cho nhà đầu tư ngần ngại. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều (ngành dịch vụ, thiết bị, nguyên vật liệu gián tiếp); giá trị sản xuất trong nước chưa cao; hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa được triển khai, chưa thành lập đội ngũ R&D trong nhà máy...
Đại diện AmCham Việt Nam đối thoại tại hội nghị. Ảnh: MAI HOA |
Nhìn nhận thêm về những thách thức hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, qua khảo sát, nghiên cứu, có thể thấy trước nay, ưu thế lớn nhất trong thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là chi phí thấp, trong đó có ưu đãi về thuế. Nhưng những yếu tố này đang dần thay đổi. Những yếu tố từng là ưu thế sẽ giảm dần lợi thế, đây là thách thức rất lớn.
Đại diện ICham phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MAI HOA |
Giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư
Chia sẻ tại hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho rằng, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu, làm thế nào để tận dụng được, nhất là một thành phố lớn như TPHCM cần tầm nhìn chiến lược, quyết sách đột phá trong phát triển.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, TPHCM hiện nay cần tập trung vào một số mấu chốt, trong đó có thể chế, nhân lực; vấn đề pháp lý đang trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Vừa qua, lĩnh vực bất động sản phản ánh 70% vướng mắc liên quan pháp lý, thủ tục. Mặt khác, khi thực hiện Nghị quyết 98, có thể mường tượng sẽ có những xung đột hoặc chưa phù hợp giữa cơ chế chính sách đặc thù với cơ chế chung, cần có hướng xử lý.
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MAI HOA |
Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC cho rằng, cần thiết xây dựng Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư. Cụ thể, diễn đàn sẽ giúp giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư về môi trường pháp lý. Đó là những vấn đề thực tiễn phát sinh nhưng không có quy định điều chỉnh, hoặc có quy định nhưng lại khác nhau giữa luật này và luật kia, có sự khác nhau trong cách hiểu luật.
Diễn đàn này cũng sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trong nhận diện rủi ro pháp lý, hạn chế tranh chấp, thiệt hại. Hiện nay, tỷ lệ giải quyết tranh chấp đầu tư tại VIAC chiếm 40% tổng số tranh chấp năm 2022.
Mô hình Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư do ITPC, VIAC cùng các cơ quan ban ngành có liên quan chủ trì, với sự cộng tác của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, đại diện các công ty luật, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp… Diễn đàn này sẽ đối thoại và phản hồi những phản ánh của cộng đồng nhà đầu tư liên quan đến việc áp dụng quy định pháp luật. Đồng thời cung cấp góc nhìn thực tiễn, kinh nghiệm xử lý, nhận diện rủi ro và thiệt hại, kiến nghị giải pháp cho nhà đầu tư.
Tại hội nghị còn diễn ra phiên đối thoại cùng nhà đầu tư và lấy ý kiến về mô hình Diễn đàn hỗ trợ pháp lý trong đầu tư thường niên cho doanh nghiệp.
Ông James Ollen, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICham), cùng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội thương mại Singapore tại Việt Nam, Hiệp hội thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, cùng tham gia đối thoại.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường khẳng định TPHCM luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh MAI HOA |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường khẳng định, TPHCM cầu thị lắng nghe những tồn tại, khó khăn của doanh nghiệp để Thành phố tháo gỡ kịp thời. Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung tập trung ưu tiên tạo điều kiện cho nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại TPHCM. Thành phố sẽ thiết lập kênh thông tin chia sẻ, minh bạch về các dự án để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Mục tiêu thu hút đầu tư của TPHCM:
- Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số vốn FDI cả Thành phố lên hơn 70% trong giai đoạn 2023 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm: châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines; châu Âu: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; và châu Mỹ: Hoa Kỳ.
- Đến năm 2030, tăng 40 - 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Thành phố.
- Phấn đấu đến năm 2025, thu hút được đạt trên 50 dự án công nghệ cao, trong đó có ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn của thế giới, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỷ USD. Đến nay đã thu hút được 7 dự án CNC và 250 triệu USD, còn lại phải thu hút khoảng 43 dự án và 2,75 tỷ USD.