Hỗ trợ nông nghiệp Việt phát triển hiệu quả

Góp phần cho sự thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2023 không thể không kể đến sự đóng góp rất lớn từ những dự án hỗ trợ nông dân về thiết bị, khoa học - công nghệ trong sản xuất hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tiết kiệm vật tư, nâng cao năng suất

Tại cánh đồng lúa vừa gieo sạ hơn 1 tháng, nông dân Mười Một (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) phấn khởi cho hay, vụ hè thu vừa qua đạt được 130 tấn lúa trên diện tích 24ha. Trước đó, vụ đông xuân cũng thu hoạch hơn 180 tấn, bán được giá cao nhờ đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang châu Âu.

Có được kết quả này là do anh Mười Một tham gia Dự án thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cho nông hộ nhỏ ở ĐBSCL của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) phối hợp Trường ĐH Cần Thơ và liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa gạo thực hiện.

Thời gian đầu, các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn cho nông dân canh tác giảm phân bón, đạt hiệu quả cao. Nông dân được chủ động mua vật tư, thuê máy gặt đập liên hợp, máy bay không người lái gieo sạ và tưới phân… với giá rẻ hơn nên đã có lợi nhuận. Ngoài hỗ trợ nông dân Đồng Tháp, Dự án thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cho nông hộ nhỏ ở ĐBSCL còn hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Lợi (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) và nông dân ở nhiều tỉnh, thành khác ở ĐBSCL.

a5c-8766.jpg
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, làm việc với các chuyên gia của Dự án phát triển giống trái cây cao cấp

Cũng thông qua dự án của ACIAR, anh Trần Kim Sol (Sóc Trăng) được giới thiệu về cây trồng cạn và cảm biến ẩm độ đất Chameleon. Anh đã trồng bắp, củ dền trong ruộng lúa của mình vào mùa khô. Với việc che phủ rơm rạ giảm thiểu thoát hơi nước kết hợp cảm biến Chameleon để quản lý việc tưới tiêu, nên anh tiết kiệm được lượng nước cung cấp cho cây trồng.

Cảm biến này có thể thay đổi màu sắc đèn dựa trên ẩm độ đất đo được. Qua thử nghiệm trên đồng ruộng, các nhà nghiên cứu nhìn nhận cảm biến Chameleon tiết kiệm hơn 40% lượng nước so với tưới truyền thống, tiết kiệm công lao động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), cho biết, quy trình trồng thanh long đáp ứng được thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand… là nhờ giống chất lượng cao của Dự án phát triển giống trái cây cao cấp do New Zealand chuyển giao công nghệ. Dự án nâng cấp giống thanh long có chất lượng tốt hơn và có bản quyền để xuất khẩu.

Chưa hết, dự án còn giúp công ty có nền tảng kỹ thuật, hỗ trợ khoa học - công nghệ để sản xuất giống. Thậm chí, thanh long được sản xuất tiết kiệm nước, mật độ phù hợp để nâng cao sản lượng. Hiện giống thanh long này đang được chuyển giao rộng rãi cho nhiều công ty khác.

Nền nông nghiệp khỏe mạnh

Theo Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, năm 2012, Dự án phát triển giống trái cây cao cấp được triển khai để phát triển ngành công nghiệp trái cây cao cấp nhằm cải thiện thu nhập của nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Cụ thể, giai đoạn 2012-2018, dự án hợp tác với viện, trường phát triển các giống thanh long ở Việt Nam.

Giai đoạn 2018-2021, dự án đưa giống thanh long mới vào thương mại hóa thông qua mô hình sản xuất. Giai đoạn 2022-2027, dự án tiếp tục chuyển giao kỹ năng, công nghệ trồng chanh leo, triển khai tại các tỉnh Sơn La, Gia Lai, áp dụng phương pháp sản xuất thông minh ứng phó với bệnh tật, khí hậu. Tương tự, thông tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết, Dự án phần mềm phát triển khẩu phần thức ăn gia súc để tăng năng suất gia súc và giảm phát thải tại Việt Nam đã được triển khai trong những năm qua.

Các chuyên gia của Đại học California cung cấp phần mềm công thức hóa một cách sáng tạo khẩu phần thức ăn gia súc. Hơn 273 cán bộ khuyến nông, chuyên gia chăn nuôi; gần 4.000 sinh viên nghiên cứu chăn nuôi đã được đào tạo tại Việt Nam. Ngoài ra, dự án cũng tiến hành xây dựng kho dữ liệu quốc gia đầu tiên về thức ăn chăn nuôi với hơn 1.100 điểm dữ liệu theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, bao gồm thức ăn trong nước và nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam, cho hay, trong 30 năm qua, ACIAR đã và đang triển khai 243 dự án tại Việt Nam với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 157 triệu đôla Australia; 103 nhà nghiên cứu và nhà quản lý khoa học người Việt đã được nhận học bổng của ACIAR.

Mới đây, ACIAR thực hiện Dự án đa dạng cây trồng trên nền đất lúa trong điều kiện nhiễm mặn ở ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 với kinh phí tài trợ hơn 2,3 triệu đôla Australia; Dự án thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cho nông hộ nhỏ ở ĐBSCL giai đoạn 2022-2025 cũng được tài trợ 2,6 triệu đôla Australia.

Tin cùng chuyên mục