Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc phụ trách điều hành hoạt động Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh có truyền thống nuôi vịt chạy đồng và gần đây phát triển thêm nuôi nhốt trên cạn. Tuy vậy, thời gian vừa qua việc chăn nuôi, cung ứng cho thị trường khá bấp bênh. Một số hộ dân từng cố gắng tham gia chuỗi liên kết, vào được thị trường TPHCM nhưng sau một thời gian ngắn đã rời chuỗi liên kết do không thỏa thuận được giá bán với bạn hàng. Hiện tại bà con nuôi tự phát, bán hàng cho các thương lái, tự thỏa thuận giá cả nên quy mô chăn nuôi manh mún.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, bà Phạm Thị Huân (còn gọi Ba Huân), Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, mong muốn tỉnh Đồng Tháp giới thiệu từ 5-6 hợp tác xã chăn nuôi vịt để thí điểm chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học. Về phía công ty sẽ bao tiêu toàn bộ trứng vịt cho bà con để sản xuất trứng vịt muối, trứng vịt bách thảo xuất khẩu. Trong năm 2020, công ty có nhiều đơn hàng xuất khẩu, nhất là trứng vịt muối - mặt hàng xếp thứ 8 trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Theo Bộ NN-PTNT, trứng vịt muối có nhiều lợi thế về sản phẩm cạnh tranh, cả trong và ngoài nước.
Hiện tại, Công ty Ba Huân đã xin được giấy phép xuất khẩu sang Australia, Singapore và đang làm thủ tục xuất sang Trung Quốc. Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng của bà con trong nước có nhiều thay đổi theo hướng tăng cường tiêu thụ trứng gà, ít dùng trứng vịt. Ngược lại, cơ cấu bữa ăn tại một số quốc gia trên thế giới lại chuộng trứng vịt hơn trứng gà, nhất là các loại trứng vịt muối, trứng vịt bách thảo. Bà Ba Huân cho rằng, bà con nông dân nên biết được thị hiếu tiêu dùng trên đây nhằm tìm hướng ra cho việc chăn nuôi gia cầm.
Để hỗ trợ bà con nông dân tỉnh Đồng Tháp, tới đây công ty sẽ làm việc với các cơ quan chuyên trách (Sở NN-PTNT, Cục Thú y…) của tỉnh để bàn giải pháp xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ trứng vịt an toàn, đáp ứng yêu cầu sản phẩm sạch, không chứa chất sudan - một loại chất tạo màu đỏ sậm thường dùng trong công nghiệp, có trong thức ăn của vật nuôi. Ở Việt Nam đã có một số trường hợp sau khi xuất khẩu trứng, doanh nghiệp nhập khẩu phát hiện chứa chất sudan đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ lô hàng, điều này ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp trong nước nói riêng, Việt Nam nói chung. “Các anh chị muốn bán hàng cho công ty chúng tôi để chế biến xuất khẩu thì phải chủ động thay đổi cách nuôi. Tôi cùng công ty sẽ hỗ trợ các anh chị”, bà Ba Huân nói.