Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-3-2020. Một trong những điểm mới tại nghị định này là quy định về nội dung chi quỹ Bảo hiểm xe cơ giới (do các doanh nghiệp trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để đóng góp vào quỹ).
Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới nhằm phát huy vai trò là cơ chế hỗ trợ cho chính sách bảo hiểm bắt buộc, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Theo Điều 27 Nghị định 03/2021, nguồn quỹ Bảo hiểm xe cơ giới được sử dụng vào mục đích hỗ trợ nhân đạo trong các trường hợp sau:
- Không xác định được xe gây tai nạn.
- Xe không tham gia bảo hiểm.
- Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định Nghị định 03/2021, trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
Nếu rơi vào các trường hợp này, mức chi hỗ trợ nhân đạo là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 45 triệu đồng so với mức cũ là 20 triệu đồng). Khoản chi này để hỗ trợ chi phí mai táng đối với thiệt hại về tính mạng và hỗ trợ trường hợp bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn của người thứ ba.
Đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu, mức hỗ trợ sẽ là 10% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/ 1 vụ (tương ứng 15 triệu đồng).
Khi gặp tai nạn giao thông rơi vào các trường hợp được nêu trên, các cá nhân, gia đình có thể gọi đến đường dây nóng của Quỹ bảo hiểm Xe cơ giới thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (www.iav.vn) để được hỗ trợ.
Theo Nghị định 03/2021, bên cạnh mục đích hỗ trợ nhân đạo, nguồn quỹ này còn được sử dụng trong công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ; chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các hoạt động liên quan nhằm góp phần bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an toàn xã hội.
Nâng mức bồi thường lên 150 triệu/người/vụ
Để vừa đảm bảo mục đích, tính chất của bảo hiểm bắt buộc, vừa đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh mức phí, bù đắp chi phí khi có thay đổi biến động, mức trách nhiệm bảo hiểm đã được điều chỉnh tăng cao. Theo đó, nâng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra từ 100 triệu đồng/1 người/1 vụ lên 150 triệu đồng cho một người/1 vụ.
Trong khi đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng trong 1 vụ tai nạn đối với thiệt hại do xe mô tô hai bánh xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra.
Tuy nhiên, dù mức trách nhiệm bảo hiểm tăng mạnh, mức phí bảo hiểm bảo hiểm (chưa bao gồm VAT) theo Nghị định mới vẫn được giữ nguyên: đối với xe mô tô từ 50 cc trở xuống là 55.000 đồng và 60.000 đồng đối với xe mô tô 2 bánh trên 50 cc. Đặc biệt, lần đầu tiên xe máy điện cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự như những phương tiện cơ giới khác với mức phí là 55.000 đồng.
Quy định rõ việc tạm ứng cho người mua bảo hiểm
Nghị định cũ quy định khá chung chung trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.
Còn theo nghị định mới, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Cụ thể, trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 105 triệu đồng). Tạm ứng 50% mức bồi thường bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu (tương ứng 75 triệu đồng).
Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại, tạm ứng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 45 triệu đồng) và 10% mức trách nhiệm bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu (tương ứng 15 triệu đồng).
Những sửa đổi mới này được đánh giá có tác động rất tích cực cả đối với đối tượng tham gia giao thông cũng như là cả đối với tác động về mặt xã hội.
Cụ thể, tất cả các bên liên quan đến vụ tai nạn đều sẽ được hỗ trợ kịp thời, trong đó nạn nhân tai nạn giao thông được giúp khắc phục tổn thất về người và tài sản, còn chủ xe và lái xe cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.