Sáng 22-2 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức diễn đàn đánh giá lại những thành công đột phá của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2018, đồng thời thảo luận tìm ra những giải pháp để giữ ổn định và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự diễn đàn này.
Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp và sự bứt phá của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018, khi kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản lên tới 9,4 tỷ USD, trong đó giá trị xuất siêu lên tới 7,1 tỷ USD; cả nước có tới hơn 4.500 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động chế biến lâm sản.
Tại diễn đàn này, Thủ tướng tiếp tục đặt câu hỏi cho Bộ NN-PTNT và các bộ có liên quan: Làm cách nào để đưa Việt Nam trở thành một công xưởng đồ gỗ của thế giới, liệu Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ nội thất có thương hiệu, có chất lượng và có nguồn gốc hợp pháp của thế giới hay không?
Để thực hiện được “giấc mộng” này, đòi hỏi phải có nguồn nguyên liệu sạch và bền vững, ổn định.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu nhập khẩu gỗ nguyên liệu để phục vụ chế biến và xuất khẩu cũng tốt nhưng đây không phải là hướng chính, mà mục tiêu đề ra là phải đẩy mạnh trồng rừng ở nước ta, hỗ trợ và thu hút đầu tư trồng rừng để có nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành gỗ.
Vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp, bàn bạc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai chính sách hỗ trợ khoảng 100.000 tấn gạo trong thời gian tới cho người dân tại các tỉnh đang có rừng, có khả năng trồng rừng.
Về vấn đề này, Thủ tướng nhắc tới sự kiện, năm nay cả nước sẽ thực hiện các hoạt động để kỷ niệm 50 năm di chúc của Bác Hồ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở về Tết trồng cây tổ chức hàng năm: “Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Theo Thủ tướng, nếu nói “làm cho đất nước càng ngày càng xanh” thì vẫn đúng.
“Chiều nay tôi vào công tác tại miền Tây tỉnh Nghệ An và tôi cũng sẽ phát động trồng cây, trồng rừng ở đây”- Thủ tướng cho biết.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu cần khai thác tốt các lợi thế của FTA cho ngành đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu lớn và hợp pháp, các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là hệ thống tự động, đổi mới thiết bị, đa dạng sản phẩm thiết kế, sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, xây dựng thương hiệu cho đồ gỗ Việt... để chinh phục các thị trường khó tính, có nhu cầu cao.