Theo báo cáo, ngày 4-8, TP Đà Nẵng ghi nhận 92 ca mắc mới Covid-19 (38 ca trong khu vực phong tỏa, 32 ca liên quan đến Cảng cá Thọ Quang hoặc thuộc khu vực phong tỏa 5 phường quận Sơn Trà; 6 ca chưa được cách ly).
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các chuỗi lây nhiễm tại quận Sơn Trà đang được kiểm soát tốt, dù số ca mắc tăng nhưng hy vọng với sự quyết tâm của quận Sơn Trà cùng sự hỗ trợ của các sở ban ngành và địa phương sẽ sớm ngăn chặn được dịch. Ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, TP Đà Nẵng chấp nhận hy sinh vì lợi ích kinh tế nên lúc này Sơn Trà phải làm thật quyết liệt, tuyệt đối không để lây nhiễm trong khu cách ly và khu phong tỏa.
“Với gần 5 phường thuộc quận Sơn Trà đang phải cách ly y tế, việc hỗ trợ người dân 40.000 đồng/người/ngày thì Thành phố đã chi gần 100 tỷ đồng. Chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, bỏ ra khoản ngân sách không nhỏ. Vì vậy cần phải quyết tâm làm thật nhanh để làm sạch, giải phóng sớm khu vực này”, ông Quảng chia sẻ.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, thành phố lo nhất lúc này vẫn là khu phong tỏa, đặc biệt khu phong tỏa rộng như quận Sơn Trà, do đó phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát các khu này. Các khu còn lại dù phạm vi hẹp hơn nhưng không được lơ là. Các khu cách ly số lượng tương đối đông và nhiều nên cũng cần kiểm soát chặt, tránh lây chéo.
Bên cạnh đó, ông Chinh yêu cầu đẩy nhanh công tác xét nghiệm, tập trung vùng nguy cơ cao nhất để đánh giá đúng tình hình. Lực lượng chức năng tiếp tục giám sát khu công nghiệp và khu công nghệ cao, những doanh nghiệp nào không đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch thì tạm dừng hoạt động. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân ở trong nhà, tăng cường xử lý vi phạm, có sự động viên kịp thời, nhân rộng cách làm tốt trong xã hội.
Tối 4-8, UBND TP Đà Nẵng đã có sự điều chỉnh mẫu giấy đi đường cho người dân để hạn chế thấp nhất các trường hợp gian dối, lợi dụng giấy để ra đường. Theo đó, TP Đà Nẵng thống nhất từ 12 giờ ngày 6-8 sử dụng giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn theo mẫu đã điều chỉnh. Đặc biệt, giấy đi đường phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền mới có hiệu lực. Cụ thể, thủ trưởng cơ quan, công sở nhà nước cấp và xác nhận giấy đi đường đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị. Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp xác nhận giấy đi đường đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi. Để thực hiện, các doanh nghiệp có văn bản đề nghị xác nhận, lập danh sách người lao động theo phương án, kịch bản phòng, chống dịch của doanh nghiệp (giảm 50% lao động và các điều kiện khác theo quy định). Mẫu Giấy đi đường sau khi được điều chỉnh Đối với cơ sở sản xuất ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, Sở KH-ĐT rà soát và cung cấp danh sách cho UBND các phường, xã nơi có cơ sở hoạt động sản xuất. Các cơ sở sản xuất có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường, lập danh sách người lao động theo phương án phòng, chống dịch của cơ sở (giảm 50% lao động và các điều kiện khác theo quy định), gửi hồ sơ về UBND phường, xã nơi đặt trụ sở sản xuất để xác nhận. Đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hộ kinh doanh được phép hoạt động theo khoản 3 Chỉ thị 05/CT-UBND, đại diện đơn vị gửi danh sách người lao động về UBND phường, xã để kiểm tra, xác nhận và cấp giấy đi đường. Đối với các chợ, ban quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan thường xuyên, trực tiếp đến hoạt động trong chợ theo phương án giãn, giảm quầy hàng theo quy định, gửi hồ sơ về UBND phường, xã để xác nhận. Các cơ quan, đơn vị trong thời gian tạm dừng hoạt động theo Chỉ thị số 05/CT-UBND có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại đơn vị, gửi về địa phương để được kiểm tra, ký xác nhận. Đối với các trường hợp cấp thiết khác, giao UBND phường, xã chủ động kiểm tra, xác nhận và cấp giấy đi đường theo quy định. Đối với các trường hợp cấp thiết phải ra/vào thành phố do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định. |