Vấn đề là vì sao một đô thị thông minh như TPHCM mà vẫn chi hỗ trợ bằng tiền mặt, trong khi nếu chuyển qua tài khoản sẽ minh bạch, dễ kiểm tra, giám sát và rất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch?
Tốn công, mất sức hỗ trợ bằng tiền mặt
Tháng 7-2021, TPHCM triển khai hỗ trợ đợt 1 tới gần 500.000 trường hợp với số tiền 773 tỷ đồng. Sang tháng 8-2021, thành phố tiếp tục hỗ trợ gần 2 triệu trường hợp với số tiền 3.200 tỷ đồng. Từ cuối tháng 9-2021, thành phố kích hoạt đợt hỗ trợ quy mô lớn với trên 7.347 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 7,3 triệu người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tổng quy mô 3 đợt hỗ trợ lên tới khoảng 10 triệu người. Tuy nhiên, chỉ có một phần thuộc các diện như 17.000 tiểu thương, 6.000 hộ kinh doanh, hơn 56.300 lao động ở doanh nghiệp ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương (hỗ trợ đợt 1), tiền hỗ trợ được chuyển khoản tới người thụ hưởng. Trong khi, đa số tiền hỗ trợ được chi thủ công bằng tiền mặt trao tay người dân. Nhiều xã, phường, thị trấn, cán bộ có khi phải chi hỗ trợ người dân vào 21-22 giờ đêm. Việc này đã tạo áp lực không nhỏ đến đội ngũ cán bộ cơ sở, vốn phải căng mình phòng chống dịch, lại tốn công mất sức thống kê rà soát danh sách và thêm công đoạn mang tiền trao tay người dân.
Lý giải về việc chi hỗ trợ bằng tiền mặt, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho rằng, nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là lao động tự do, chưa có số tài khoản. Việc mang tiền đến nhà trao cho người dân cũng là dịp để cán bộ nắm kỹ đời sống, hoàn cảnh của người dân và chi hỗ trợ đúng diện thụ hưởng. Bà Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho hay, huyện có chuyển khoản hỗ trợ tới một bộ phận là công nhân có hợp đồng lao động và tiểu thương. Tuy nhiên, số nhận hỗ trợ qua tài khoản rất ít vì không phải ai cũng có tài khoản. Mức chi hỗ trợ 1 triệu đồng/người, nếu mở tài khoản, người dân rút tiền xong có thể bỏ thẻ sẽ lãng phí.
Tương tự, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7, nhận xét, chi tiền hỗ trợ qua tài khoản sẽ tiện cho địa phương, cán bộ đỡ công đi phát tiền. Nhưng người dân không mặn mà với tài khoản vì số tiền ít, đa phần là người lao động nghèo. Họ có nhu cầu sử dụng tiền mặt và thói quen sử dụng thẻ còn hạn chế. “Người lao động nghèo cũng có tâm lý ngại việc khai báo làm thẻ ngân hàng; phường liên hệ để cập nhật danh sách, lấy thông tin rất vất vả vì họ chỉ muốn nhận tiền mặt một lần”, ông Hoàng Minh Tuấn Anh nói.
Nhanh chóng, thuận tiện, chính xác
Sau các đợt hỗ trợ, sắp tới, TPHCM tiếp tục chi chăm lo quà Tết Nguyên đán 2022 với mức hơn 1 triệu đồng/suất tới hàng trăm ngàn người có công, người nghèo, cận nghèo, người già… Liệu thành phố sẽ chi quà tết qua tài khoản hay tiếp tục phát tiền mặt cho người dân?
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội Thúc đẩy số hóa, chuyên nghiệp hóa công tác an sinh xã hội Lao động phi chính thức, lao động di cư chiếm tỷ lệ lớn ở TPHCM, khoảng 40-50% lực lượng lao động. Nếu hỗ trợ bằng tiền thì nên chuyển khoản tới người dân. Về lâu dài, cần xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã số an sinh với NLĐ ở khu vực phi chính thức. Việc cấp tiền hỗ trợ qua tài khoản vừa nhanh chóng vừa an toàn, lại công khai, minh bạch, tránh trùng lặp danh sách nhận hỗ trợ như một số nơi ở thành phố gặp phải khi triển khai hỗ trợ đợt 3. Hỗ trợ qua tài khoản cũng giúp cán bộ bớt việc thủ công, giảm tiếp xúc và hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Qua đây, cũng thúc đẩy việc số hóa, chuyên nghiệp hóa công tác an sinh xã hội. |
Thực tế, việc chi trả qua tài khoản gặp nhiều khó khăn như đã đề cập là không thể phủ nhận. Song, kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy, vấn đề không quá phức tạp. Cụ thể, cùng thời điểm TPHCM chi hỗ trợ đợt 3, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã triển khai hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trên địa bàn thành phố, đến nay đã có hơn 86.000 đơn vị và 2,3 triệu NLĐ được nhận hỗ trợ với số tiền hơn 5.422 tỷ đồng. Tất cả đều được chuyển thẳng đến tài khoản người thụ hưởng. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, nhằm bảo đảm việc chi hỗ trợ từ Quỹ BHTN trực tiếp tới NLĐ một cách nhanh chóng, thuận tiện, chính xác và an toàn nhất, ngành BHXH thẳng thắn khuyến nghị NLĐ nên nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, trong 2,3 triệu NLĐ được hỗ trợ, có 5% NLĐ chưa có tài khoản. Lập tức, ngành BHXH lập danh sách và kết nối với ngân hàng mở thẻ tài khoản miễn phí cho NLĐ. Khi hướng dẫn NLĐ làm thủ tục nhận hỗ trợ, ngành BHXH cũng hướng dẫn cách mở thẻ tài khoản. Trên ứng dụng BHXH số (VssID) có phần đăng ký tài khoản, NLĐ chỉ cần nhập thông tin là ngân hàng cập nhật và làm thẻ ngay. Chỉ 2 ngày sau khi nhập thông tin là NLĐ đã có tài khoản, không cần phải trực tiếp ra ngân hàng. Thẻ sau đó được gửi về tận nhà NLĐ qua dịch vụ bưu chính và tiền rót thẳng vào tài khoản.
Như vậy, việc hỗ trợ qua tài khoản cho 2,3 triệu NLĐ từ Quỹ BHTN là một điển hình cho thấy công tác hỗ trợ hoàn toàn có thể được thực hiện gọn gàng, nhanh chóng. Hẳn nhiên, việc hỗ trợ NLĐ có hợp đồng với thông tin đầy đủ, rõ ràng luôn thuận lợi hơn so với hỗ trợ NLĐ tự do ở khu vực phi chính thức, không hợp đồng lao động. Song, không phải là không thể hỗ trợ qua tài khoản cho NLĐ tự do. “Đừng lo NLĐ nghèo không biết xài tài khoản. Đi qua đại dịch, nhiều người đã học cách ứng phó, biết sử dụng công nghệ và thêm một số kỹ năng. Khi có tiền trong tài khoản, NLĐ sẽ biết sử dụng thẻ một cách phù hợp”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội nhận xét.
Đồng loạt chi lương hưu qua tài khoản Toàn TPHCM có 235.000 người hưởng lương hưu. Ngành BHXH đã báo cáo UBND TPHCM đề nghị không chi tiền mặt. Thay vào đó, BHXH lập danh sách và ngân hàng căn cứ vào đó sẽ mở thẻ tài khoản cho hưu trí. Sang đầu tháng 12-2021, có thêm 50.000 người nhận lương hưu sẽ được chuyển khoản, nâng tỷ lệ nhận qua tài khoản lên 81%. TPHCM chỉ còn hơn 40.000 hưu trí nhận tiền mặt và ngành BHXH tiếp tục vận động hưu trí chuyển sang nhận chuyển khoản. |