Chính quyền TP Seoul cho biết, cuối năm nay sẽ hợp tác với các công ty tư nhân phát triển thiết bị đầu cuối kết nối tự động và dễ sử dụng. Những thiết bị này sẽ được lắp đặt tại các ngân hàng và rạp chiếu phim, giúp người cao tuổi, những người có trình độ học vấn thấp và những người gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ. Dự kiến trong năm nay, khoảng 100 quầy hướng dẫn kỹ thuật số tự động dành cho người cao tuổi và người khuyết tật sẽ được lắp đặt tại TP Seoul. Ngoài ra, chính quyền còn phát động chiến dịch khuyến khích cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến những người gặp khó khăn trong sử dụng công nghệ số.
Dự kiến, 8,6 tỷ won (khoảng 7,2 triệu USD) sẽ được Seoul đầu tư để thành lập các trường đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật số cho người cao tuổi. Trước đó, các khóa học miễn phí tìm hiểu về công nghệ dành cho những người cao tuổi đã được tổ chức tại nhiều khu vực ở thủ đô Seoul. Tại đây, người cao tuổi được học về cách vận hành các thiết bị thông minh, cách đặt hàng trên mạng, mua vé xem phim, vé tàu điện ngầm… Các khóa học này không chỉ góp phần giúp người cao tuổi theo kịp những công nghệ mới mà còn giúp họ tự tin hơn khi giao tiếp với thế hệ trẻ.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và lối sống “không tiếp xúc” tại Hàn Quốc, phần lớn người cao tuổi nước này cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Khi giới trẻ nhanh chóng thích nghi, thì người cao tuổi rơi vào trạng thái lạc lõng vì không thể sử dụng những tiện ích công nghệ hiện đại. Theo khảo sát của Tổ chức Thông tin xã hội quốc gia Hàn Quốc (NIA), chỉ khoảng 30% người trên 60 tuổi biết cách sử dụng ứng dụng điện thoại. Trong khi đó, con số này ở nhóm 10-29 tuổi là 99,9% và nhóm 30-39 tuổi là 100%. Hầu hết người cao tuổi xứ Hàn chỉ dùng điện thoại để nghe - gọi và xem giờ, không sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán trực tuyến hay thương mại điện tử. Ngoài ra, khảo sát cũng chỉ ra rằng, dù tỷ lệ tiếp cận các thiết bị công nghệ của nhóm người cao tuổi, người khuyết tật và người có thu nhập thấp ở nước này là 97,1%, song vẫn còn rất nhiều người không hoặc hiếm sử dụng Internet.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của giới chuyên gia, những nỗ lực hiện tại vẫn chưa đủ giải quyết các vấn đề xã hội rộng lớn hơn. Lý do là hầu hết người dùng lớn tuổi không quen dùng thiết bị thông minh ngay từ đầu và khó có thể tìm hiểu công nghệ và sản phẩm mới nhanh như người trẻ. Ngoài ra, thị trường hiện tại đang thiếu các thiết bị thông minh được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người cao tuổi cũng như người khuyết tật. Bên cạnh việc dạy người cao tuổi sử dụng các công nghệ thông minh, giới doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng nên để ngỏ một lựa chọn cho những người không muốn và không có khả năng hội nhập vào thế giới số.