Mặc dù lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội luôn khẳng định rằng đã làm đúng chính sách của Nhà nước, thậm chí còn viện dẫn những quy định về đối tượng được hưởng hỗ trợ; song có một chân lý đơn giản rằng mọi quy định, tiêu chí, luật lệ đều do chính con người xây dựng nên. Nếu chỉ áp một cách cứng nhắc vào cuộc sống thì chắc không cần tới những đề xuất, xét duyệt mà chỉ cần vận hành những “cỗ máy” là đủ.
Với nghệ thuật, không phải nghệ sĩ nào cũng sống bằng lương của nhà hát, bằng số tiền diễn trên sân khấu mà một số người có thu nhập “khủng” từ vai diễn truyền hình, đại diện thương hiệu, quảng cáo nhãn hàng…
Thực tế, trong quá trình làm danh sách trình duyệt hỗ trợ, những người thực thi cũng đã băn khoăn bởi nhiều trường hợp khác khó khăn quá mà lại không thuộc diện được hỗ trợ. Song tiếc là những vướng mắc phát sinh ấy đã không được giải quyết linh hoạt, kịp thời khiến nảy sinh nhiều nghi hoặc, ảnh hưởng tới ý nghĩa chính xác của việc giúp đỡ, cứu trợ.
An sinh xã hội, giúp đỡ những người gặp khó khăn, yếu thế trong thời điểm này là một nghĩa cử đầy tính nhân văn, góp phần bồi đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc - “lá lành đùm lá rách”. Song giá trị của việc tiếp sức, đồng hành sẽ chỉ được nhân lên, lan tỏa khi giúp được đúng người, trúng đối tượng cần hỗ trợ. Gần 4 triệu đồng so với thu nhập của các “sao” thì chẳng thấm vào đâu và thực tế, có người nằm trong danh sách được hỗ trợ này còn ngạc nhiên và chắc rằng họ cũng đủ tự trọng để không nhận, bởi họ vẫn đang ổn và không thể phiền đến xã hội. Nhưng khoản tiền đó lại có thể giúp một gia đình khó khăn vượt qua những ngày giãn cách, mất thu nhập.
Trong lúc nguồn ngân sách có hạn, những người cần đến sự chia sẻ, đùm bọc còn rất nhiều thì nên chăng cần phải có trách nhiệm hơn, căn cứ vào thực tế để đề xuất sao cho những khoản tiền cứu trợ có thể đến được đúng người, đúng hoàn cảnh. Muốn như vậy thì chỉ căn cứ theo quy định thôi chưa đủ, mà cần nhiều hơn sự tận tâm của người triển khai chính sách. Có như vậy, việc hỗ trợ mới thực sự có ý nghĩa.