Hỗ trợ lãi suất vốn vay: Tạo “cú hích” tăng trưởng kinh tế

Từ đầu tháng 8, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM sẽ có cơ hội được hỗ trợ lãi suất vốn vay từ 50%-100% cho mức vốn vay tối đa của dự án là 200 tỷ đồng. Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC).

PHÓNG VIÊN: UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định 42/2024/QĐ-UBND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế. Vậy những loại hình dự án nào được xếp vào diện ưu tiên, thưa ông?

E1d.jpg
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC)

* Ông NGUYỄN QUANG THANH: Quyết định 42 do UBND TPHCM ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 29-7-2024, cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM cho vay. Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp; y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa thể thao; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường hoặc dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu bao gồm: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa, chế biến thực phẩm và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ là đối tượng ưu tiên được thụ hưởng chính sách ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay.

Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay được áp dụng cụ thể như thế nào?

* Tùy theo loại hình dự án mà mức hỗ trợ lãi suất vốn vay từ ngân sách có thể dao động từ 50%-100%/tổng mức vốn vay. Hiện mức vốn vay tối đa của dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của thành phố sẽ được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng/dự án (không bao gồm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ). Trong đó, phần vốn đầu tư công trình được hỗ trợ tối đa 70%, phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị hỗ trợ tối đa 85%.

Riêng các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa và thể thao do đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố làm chủ đầu tư, được hỗ trợ lãi suất tối đa 100% phần vốn đầu tư công trình xây dựng, 100% phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị. Ngoài ra, với các dự án giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố làm chủ đầu tư, được hỗ trợ lãi suất đối với số vốn vay tối đa bằng 100% tổng mức đầu tư của dự án.

x1e-2002-2513.jpg.jpg
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cát Thái sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (loại dự án được thành phố hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thành phố quy định thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án không quá 7 năm, kể từ ngày dự án được UBND TPHCM phê duyệt hỗ trợ và sau khi giải ngân vốn vay lần đầu tại Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM.

Việc ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay có thể đạt đến mức 100% sẽ tạo những cơ hội, động lực phát triển cho doanh nghiệp, thưa ông?

* Với mức hỗ trợ lãi suất có thể đạt đến 100% thì nói nôm na là thành phố cho doanh nghiệp mượn tiền để đầu tư phát triển. Thời gian thành phố cho mượn cũng khá dài hạn là 7 năm. Điều này thể hiện rõ chính sách rất ưu việt và hứa hẹn sẽ tạo những động lực đột phá giúp doanh nghiệp chuyển đổi đầu tư, sản xuất, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo đà mở rộng thị phần mà doanh nghiệp vốn khó chạm tay trước đó, do bị cạnh tranh mạnh về giá thành với doanh nghiệp có cùng loại hình sản xuất trong khu vực.

Phải nói thêm rằng, việc doanh nghiệp Việt Nam bị suy giảm năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong khu vực là thực tế không thể phủ nhận. Các doanh nghiệp trong khu vực thường được tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính trong nước với lãi suất rất thấp, từ 0%-5%. Trong khi đó, lãi suất vốn vay của doanh nghiệp Việt phải gánh thường xuyên là từ 6%-12%. Điều này đã làm doanh nghiệp Việt thua ngay từ khâu xuất phát. Do vậy, với cơ chế hỗ trợ vốn mới này sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng nội lực của mình.

Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu việt nhưng thủ tục hồ sơ liệu có là rào cản để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay?

* Ngay trong quyết định triển khai, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo rõ là các đơn vị liên quan phải đảm bảo việc hỗ trợ lãi suất vay được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích. Đặc biệt, không được làm phát sinh thủ tục hành chính đối với các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư đăng ký hỗ trợ lãi suất. Vấn đề còn lại là HFIC đang soạn thảo mẫu quy trình thủ tục hồ sơ để tạo điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất cho doanh nghiệp nhận diện rõ dự án thuộc đối tượng được hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay, nhất là sớm được giải ngân vốn vay để đưa vào đầu tư, sản xuất.

Sơ bộ quy trình thủ tục cho dự án được hỗ trợ như sau: bước đầu tiên doanh nghiệp có dự án sẽ được HFIC thẩm định là có khả năng cho vay vốn với chính sách hỗ trợ lãi suất vay. Sau đó, tùy loại hình lĩnh vực dự án, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ vào Sở KH-ĐT (nếu thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp; y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa thể thao; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường), hoặc Sở Công thương (nếu thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu bao gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa, chế biến thực phẩm và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ), hoặc các tổ liên ngành do UBND TPHCM thành lập. Hồ sơ sau khi hoàn tất sẽ được đơn vị có chức năng trình UBND TPHCM phê duyệt lãi suất hỗ trợ và HFIC sẽ thực hiện giải ngân ngay sau đó.

Hiện HFIC đã có kế hoạch làm việc với Sở Y tế, Sở Công thương, Ban quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao TPHCM… để triển khai thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước nắm bắt và hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ cho dự án thuộc đối tượng ưu tiên như trên.

Tin cùng chuyên mục