Có thể kể đến các chương trình do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM (thuộc Thành đoàn TPHCM) tổ chức như cuộc thi Startup Wheel (Ý tưởng khởi nghiệp), sàn giao dịch đầu tư khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp trẻ; chương trình hỗ trợ vốn Speedup (thuộc Sở KH-CN TPHCM); Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF); Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ)…
Song, theo thống kê, khoảng 90% dự án khởi nghiệp là thất bại. Lý giải nguyên nhân có những dự án với sản phẩm có thể nói là thức thời nhưng vẫn “chết yểu”, nhiều người cho rằng, ngoài ý tưởng hay, có vốn thì sản phẩm ấy phải trình làng trúng thời điểm thì mới có thể đem đến thành công. Tại buổi thảo luận “Thanh niên thành phố khởi nghiệp, sáng tạo” do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TPHCM tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ hỗ trợ về vốn và chia sẻ kinh nghiệm là chưa đủ, mà cần hỗ trợ về cộng đồng khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM, cho biết, ở Nhật Bản, người dân sẵn sàng sử dụng sản phẩm lỗi của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhờ vậy mà doanh nghiệp trong nước dễ dàng đánh giá được nhu cầu thực tế của khách hàng để có chiến lược cải tiến sản phẩm sao cho tốt nhất để phục vụ người dân. Trong khi đó, nhìn lại ở nước ta, các sản phẩm khởi nghiệp rất khó đưa vào cuộc sống bởi tâm lý của người dân Việt Nam là thích sử dụng những sản phẩm đã phổ biến rộng rãi, sản phẩm đại trà, còn ngại sử dụng sản phẩm mới, ngại kiểm chứng và thử nghiệm cái mới, đó là cái khó của dân khởi nghiệp. Đơn cử như ứng dụng App PinBike - ứng dụng hỗ trợ đi chung xe máy nhằm hạn chế ùn tắc giao thông của một người khởi nghiệp. Nếu xét ở góc độ tiện lợi, tiết kiệm chi phí, giảm bớt áp lực giao thông thì rất khả thi, nhưng dự án vẫn “chết yểu” do khách hàng ngại thử nghiệm.
Cũng bởi tâm lý ấy mà hiện nay nhiều dịch vụ, sản phẩm muốn ra mắt thị trường, dù tặng miễn phí cũng khó để xin được review (đánh giá, nhận xét) của mọi người. Một khi không có những góp ý từ thực tế người dùng ở nhiều góc nhìn khác nhau thì các startup rất khó để điều chỉnh sản phẩm của mình phù hợp hơn với nhu cầu.
Ở bất kỳ công việc, lĩnh vực nào, nếu muốn thành công cũng cần có cơ hội. Không chỉ cơ hội được trao từ cơ chế, chính sách, hay những cú gọi vốn đầu tư thành công, mà cơ hội lớn nhất là từ khách hàng. Ngoài việc các startup tự tìm kiếm khách hàng, đã đến lúc các chương trình, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cần quan tâm đến “ngân hàng khách hàng” để tương tác với startup bằng những trải nghiệm thực tế sau khi sử dụng.