Thí điểm thành lập một số liên đoàn hợp tác xã
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG |
Về ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể tại Nghị quyết số 20-NQ/TW bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, rà soát và chỉnh lý theo hướng thống nhất triển khai theo chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước từng thời kỳ, nhưng không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) |
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã (HTX). Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn HTX theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn HTX.
Góp ý về dự thảo luật, ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nhận xét, việc thể chế hóa 8 chính sách từ Nghị quyết 20 vẫn còn dàn trải, phân tán, cào bằng, chưa chú trọng tính đặc thù của các loại hình HTX, nhất là HTX nông nghiệp. Ông Huy và nhiều ĐB đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm điều, khoản quy định cụ thể về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.
Có nên cho mua bán chuyển nhượng vốn góp trong hợp tác xã?
Bày tỏ đến quy định về góp vốn vào HTX, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị UBTVQH xem xét, cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong HTX, liên hiệp HTX vì nếu cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm mất đi bản chất của HTX, làm cho HTX hoạt động như loại hình công ty cổ phần…
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách |
Có quan điểm khác, Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại đề nghị không giới hạn quyền chuyển nhượng mua bán của thành viên HTX.
“Dự thảo không đặt vấn đề chuyển nhượng vốn góp, tránh việc mua bán cổ phần, vốn góp như doanh nghiệp. Tôi thấy chưa thuyết phục. Vốn của các thành viên HTX góp là tài sản và quyền tài sản đối với mỗi cá nhân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Không được mua bán chuyển nhượng trong một số trường hợp thì rõ ràng là hạn chế quyền tài sản. Mà nếu hạn chế thì ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa”, ông Lâm phân tích.
Theo ĐB, khi việc chuyển nhượng này làm thay đổi tính chất của HTX thì yêu cầu bắt buộc chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp thay vì cấm, hạn chế chuyển nhượng, tài sản, nhất là chuyển nhượng tài sản cho cá nhân ngoài HTX. “Thành viên nhận chuyển nhượng nếu chưa phải là xã viên thì việc nhận chuyển nhượng thực hiện như thủ tục kết nạp thành viên. Quy trình tương tự kết nạp thành viên mới, không có gì khó khăn, phức tạp cả”, ĐB kiến nghị.
Một đề xuất đáng lưu ý nữa từ ĐB Trần Văn Lâm là quy định HTX, liên hiệp HTX phải nộp phí khi công bố nội dung đăng ký. “Tôi thấy chưa thuyết phục lắm. Pháp nhân khi đi đăng ký với cơ quan nhà nước thì đã nộp phí để được công nhận pháp nhân rồi. Còn việc công bố thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm, chứ sao lại yêu cầu bắt buộc pháp nhân và bắt nộp phí nữa”?
Quy định về giải thể tổ chức kinh tế hợp tác, theo ĐB, cũng có những mâu thuẫn. “Làm thế nào thì làm để HTX có thể giải thể được chứ không để hiện trạng HTX chết mà không được chôn”, ĐB nói và gợi ý chuyển từ nghĩa vụ nợ của pháp nhân đã phá sản sang cá nhân hoặc giải quyết theo thủ tục phá sản khi HTX không còn hoạt động nữa.