Theo bản dự thảo, các đối tượng được nhận hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư là các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển). Các doanh nghiệp còn phải đáp ứng một trong các tiêu chí như đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng, đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, hoặc hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định không có sự phân biệt đối xử, mọi doanh nghiệp trong hay ngoài nước, đang hoạt động hay đầu tư mới, nếu đáp ứng được tiêu chí đặt ra, sẽ đều được hỗ trợ chứ không chỉ hướng đến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo quy định của OECD. Một khi được thông qua, các chính sách được áp dụng ổn định, lâu dài.
Qua nghiên cứu những quy định tại dự thảo, bà Virginia B. Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nhận xét, nếu chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao thì là quá hẹp. Bên cạnh đó, tiêu chí “doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D” để được hỗ trợ là “chưa đủ rõ”, bởi có những doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D, nhưng không xây dựng một trung tâm R&D riêng biệt.
Đại diện các doanh nghiệp có nhiều công ty con với những khoản đầu tư quy mô lớn ở các địa điểm khác nhau cũng cho rằng, cần xem xét quyết định hỗ trợ trên cơ sở quy mô tổng đầu tư của toàn tập đoàn thay vì xem xét từng công ty con, hoặc tính riêng từng dự án. Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), cho rằng, điều kiện nhận hỗ trợ vẫn còn hạn chế, nên mở rộng và nới lỏng để nhiều doanh nghiệp được nhận hỗ trợ hơn. Lại cũng có lo lắng từ đại diện một doanh nghiệp công nghệ sinh học về quy định “dự án phải giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm”. Đối với lĩnh vực này, do vừa đầu tư, vừa nghiên cứu, “dò đá qua sông” nên doanh nghiệp có thể mất một khoảng thời gian nhiều hơn 3 năm mới giải ngân hết nguồn lực 12.000 tỷ đồng… Cũng không phải không có cơ sở khi có doanh nghiệp đa quốc gia quan ngại rằng quốc gia “mẹ” có thể coi việc doanh nghiệp ở Việt Nam được hỗ trợ như một dạng giảm thuế và tiếp tục thu thuế bổ sung cho đủ mức tối thiểu 15%...
Dễ hiểu là doanh nghiệp bao giờ cũng mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn với những điều kiện dễ dàng hơn. Trên thực tế, Việt Nam chưa bao giờ áp dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, còn OECD đưa ra chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng cũng chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể, nên trong quá trình xây dựng chính sách phải tham vấn OECD để đảm bảo không vi phạm nguyên tắc.
Tóm lại, khi quy định các điều kiện về đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ, cũng như xây dựng lộ trình triển khai cần phải tính toán rất kỹ, nhất là trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp. Chỉ khi đảm bảo được tính công khai, minh bạch và khả thi thì môi trường đầu tư mới ổn định và có tính cạnh tranh cao, khuyến khích được các nhà đầu tư bỏ vốn sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.