Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn về vốn cũng như mặt bằng. Trước thực tế đó, TPHCM đang tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, hiện Ban quản lý các KCX-KCN (Hepza) đã đề xuất quy hoạch 3 địa điểm để bố trí quỹ đất phát triển công nghiệp hỗ trợ, gồm: KCN Hiệp Phước - giai đoạn 2 (diện tích 200ha), KCN Lê Minh Xuân 3 (diện tích 104ha) và KCN Cơ khí ô tô (diện tích 65ha). Ngoài 3 địa điểm trên, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Hepza đang phối hợp với các đơn vị đề xuất quy hoạch khu công nghiệp tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Về nguồn vốn đầu tư dành cho doanh nghiệp, nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã thực hiện 5 lễ ký kết thông qua chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các quận, huyện: Củ Chi, Tân Bình, Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức nhằm triển khai gói tín dụng hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (trong đó, có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ) với tổng số tiền 83.034 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể nộp hồ sơ để được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi (vay tối đa 200 tỷ đồng/dự án) thông qua Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND. Cùng với đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có các sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.
Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, thời gian qua, Sở Công thương TPHCM đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo và tham mưu để HĐND TPHCM ban hành nghị quyết quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Sở Công thương cũng hoàn chỉnh dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018-2025 và dự thảo quy chế quản lý và thực hiện chương trình trên.