Đồng thời, tạo điều kiện tăng cường kết nối giữa các DN, mang lại cơ hội mở rộng liên kết hợp tác, đầu tư; khai thác nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp phía Nam chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường
Đầu tàu kết nối cung cầu
Hiện nay, TPHCM được đánh giá là địa phương đi đầu trong việc chủ động kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành. Để việc kết nối ngày càng hiệu quả hơn, TPHCM và các tỉnh, thành cần kết hợp đồng bộ với nhau để kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa vào kênh phân phối. Bên cạnh việc tăng cường đưa hàng hóa về tỉnh, thành, các DN TPHCM cũng tăng cường kết nối với các địa phương, mở rộng hợp tác, đầu tư với DN địa phương; đưa hàng hóa chất lượng từ các tỉnh, thành ngược trở lại TPHCM tiêu thụ. Cùng với đó, một số mặt hàng còn được các DN xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Theo thống kê, các DN TPHCM thực hiện trên 81 dự án sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn gần 30.000 tỷ đồng (gồm các dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị…). Riêng các DN bình ổn thị trường TPHCM đầu tư 41 nhà máy, cơ sở sản xuất; 62 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng với tổng vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 chợ đầu mối của TPHCM còn tiếp nhận, tiêu thụ bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương.
Vừa qua, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động Sense City Cà Mau. Đây là trung tâm thương mại thứ 3 của Saigon Co.op tại khu vực miền Tây Nam bộ. Ngoài hệ thống trung tâm thương mại, đến nay, Saigon Co.op cũng đã đầu tư 20 siêu thị Co.opmart tại tất cả các địa phương trong vùng. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op đang tiếp tục triển khai hoạt động mở rộng mạng lưới tại khu vực miền Tây Nam bộ với nhiều dự án quy mô lớn, cùng các giải pháp hỗ trợ sản xuất và lưu thông hàng hóa. Đến nay, Saigon Co.op đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với rất nhiều hợp tác xã, cùng các doanh nghiệp và hộ nông dân tại các tỉnh, thành. Doanh số tiêu thụ bình quân của các hợp tác xã, hộ nông dân thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hàng Việt Nam trong các hệ thống phân phối, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, bà Nguyễn Huỳnh Trang, thông tin trong thời gian tới, Sở Công thương TPHCM tiếp tục phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các DN TPHCM thực hiện ứng vốn, cung cấp giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật cho các DN, hợp tác xã, hộ nông dân các tỉnh, thành để sản xuất, bao tiêu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… tạo nguồn hàng chất lượng, ổn định cho các hệ thống phân phối.
Sôi nổi hoạt động xúc tiến
Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) đã tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư tại các tỉnh, thành phía Nam. Đơn cử như chuỗi “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm TPHCM” tại các Tây Ninh, Bến Tre, Bình Thuận... vừa được tổ chức trong tháng 5 và 6-2017. Chuỗi hoạt động này đã thu hút sự tham gia tích cực của DN TPHCM và sự hưởng ứng của người dân các địa phương. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm đại lý mở rộng phân phối; góp phần tăng sức cạnh tranh sản phẩm Việt, trong bối cảnh hàng ngoại thâm nhập mạnh vào thị trường trong nước.
Cùng với TPHCM, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tăng cường hợp tác liên kết tổ chức hàng trăm chương trình xúc tiến thương mại nội địa và quốc tế, thu hút được nhiều DN tham gia, mang lại nhiều kết quả tích cực cho việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm của DN tại thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, phải kể đến các chương trình xúc tiến thương mại nội địa đáng chú ý như hội chợ triển lãm cấp vùng/khu vực, hội chợ triển lãm trong nước tại khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam... Các trung tâm xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh, thành cũng chủ động xây dựng showroom hàng hóa phục vụ cho hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu DN. Đặc biệt, để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các trung tâm xúc tiến thương mại và công nghiệp tỉnh, thành phía Nam đã tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt về các khu chế xuất - khu công nghiệp và vùng ngoại thành, nông thôn; chuyến hàng về nông thôn theo chương trình Tuần hàng Việt, và nhiều đợt bán hàng bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho công nhân, bà con nông dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa…
Theo đại diện sở ngành ở nhiều địa phương, các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư tại các tỉnh, thành phía Nam đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng nông thôn tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao do các DN Việt Nam sản xuất, có giá cả phù hợp. Từ đó, tạo tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng Việt trong cộng đồng và giúp người dân có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm mang thương hiệu Việt, ngoài việc củng cố và tăng cường uy tín của hàng Việt trên thị trường nội địa.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết thực hiện nội dung hợp tác giữa các tỉnh, thành phố phía Nam, ITPC với vai trò trưởng ban điều phối của chương trình luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về công tác tổ chức và mời gọi các nhà phân phối lớn, nhà mua hàng tại TPHCM tham gia đàm phán, kết nối cung cầu với DN các địa phương. Đồng thời, qua sự phối hợp nhịp nhàng, tích cực của các trung tâm đã tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm địa phương liên kết hợp tác phát triển mạng lưới phân phối trong khu vực.