Căn nhà trên do bà Trần Bích Linh và người em là Trần Bích Trân đồng sở hữu. Nhiều năm qua, chị em bà Linh ký hợp đồng thực hiện các nghiệp vụ kế toán, quyết toán thuế doanh nghiệp với Công ty Tân Hồng Lễ và 4 công ty khác. Hàng tháng, các doanh nghiệp trên giao cho chị em bà Linh hồ sơ, chứng từ và bút điện tử, usb chứa dữ liệu, biểu mẫu quyết toán thuế để làm việc tại nhà.
Cuối tháng 9-2021, chị em bà Linh mắc Covid-19 và qua đời. Do không có người thân sống chung trong nhà và chưa xác định được người thừa kế hợp pháp nên UBND phường 10, quận 11 đã tiến hành niêm phong, bảo quản tài sản trong căn nhà cho gia đình chị em bà Linh.
Khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, Công ty Tân Hồng Lễ cùng một số cá nhân, doanh nghiệp đã có văn bản gửi UBND phường 10 đề nghị mở niêm phong nhà, chứng kiến việc họ nhận lại hồ sơ, chứng từ, thiết bị liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để những doanh nghiệp này thực hiện các nghiệp vụ quyết toán thuế theo quy định. Đề nghị trên bị UBND phường 10 từ chối vì vướng các quy định pháp lý liên quan đến tài sản của người quá cố.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, trường hợp này là đặc biệt, phát sinh do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và chưa có quy định pháp lý cụ thể. Các doanh nghiệp trên cần hợp đồng với văn phòng thừa phát lại tiến hành lập vi bằng, có sự giám sát của chính quyền địa phương cho phép các cá nhân và doanh nghiệp được nhận lại hồ sơ, chứng từ, thiết bị liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Biên bản mở niêm phong, chứng kiến khám kiểm tài sản trong căn nhà kèm với vi bằng sẽ là pháp lý để bảo đảm quyền sở hữu tài sản đối với các đồng thừa kế của người quá cố và làm cơ sở giải quyết các tranh chấp (nếu có) xảy ra sau này.