Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn

Ngày 7-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, sáng 7-12. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, sáng 7-12. Ảnh: VIẾT CHUNG

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành; chủ tịch, tổng giám đốc 38 ngân hàng thương mại, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các hiệp hội, ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam...

Dư địa mở rộng tăng trưởng tín dụng rất lớn

Báo cáo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 30-11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%). Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2%-3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Sau 7 tháng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đến ngày 31-10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỷ đồng, với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 207.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất gần 64.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 980 tỷ đồng. Đáng chú ý, đồng Việt Nam chỉ mất giá trên 2%, tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương NHNN đã điều hành để vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong tháng 9, tháng 10-2023. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều (một số tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm); doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn.

Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn trên 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống…

Thủ tướng cho rằng, hội nghị lần này có tinh thần như hội nghị “Diên Hồng” nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng nêu rõ, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, “góp gió thành bão” để đất nước vượt qua khó khăn, có sự phát triển chung.

Theo Thủ tướng, lúc khó khăn cần phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” thì mới phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển. “Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng có linh hoạt được không? Doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng nêu rõ, đẩy mạnh chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; kịp thời xử lý các vướng mắc pháp lý; đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính. Đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tham gia huy động vốn cho nền kinh tế; đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công… để hỗ trợ chính sách tiền tệ. Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm.

Rà soát các điều kiện tín dụng

Thủ tướng giao NHNN 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cần bảo đảm thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm 2023 để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho năm 2024 gắn với an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các điều kiện tín dụng, cần linh hoạt, sát tình hình hơn (nhất là về tài sản thế chấp, thủ tục cho vay…) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng, chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay; tiếp tục giảm lãi suất phù hợp.

Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc “sân sau” của tập đoàn vì dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng. Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm đối với tình trạng người dân đến gửi tiền tại ngân hàng thì được môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao hơn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; có giải pháp quyết liệt xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện (môi trường) củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen…

Tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức tín dụng bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp...

Các tổ chức tín dụng tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

h1b-5051.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: TTXVN

Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính triển khai đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhằm thúc đẩy cầu tiêu dùng, sản xuất và cầu tín dụng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu; tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số; tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, cải tiến hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, kết nối, tích hợp liền mạch với các dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số; chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng đến công chúng.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh các giải pháp để thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán thực sự ổn định, phát triển lành mạnh, an toàn hiệu quả, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào mua, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tạo điều kiện NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô; vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Tin cùng chuyên mục