Ông PHẠM THÀNH KIÊN: Trong cộng đồng DN Việt Nam hiện nay, DNVVN chiếm đa số và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, DNVVN đang phải đối mặt với những khó khăn chủ yếu là về quy mô, công nghệ sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực tiếp cận với các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh.
Cụ thể về quy mô, phần lớn DN trong nước có quy mô nhỏ; trong khi các DN nước ngoài có quy mô toàn cầu, dẫn đến việc cạnh tranh cực kỳ khó khăn. Về công nghệ, đa số DNVVN chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới của các DNVVN còn thấp. Số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ rất ít, máy móc và công nghệ sử dụng trong các DNVVN phần lớn đã lạc hậu. Về chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết nhân lực đang làm việc tại DNVVN chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Ngay cả đội ngũ quản lý cũng ít được đào tạo vững về kiến thức kinh tế và quản trị DN, về pháp luật trong kinh doanh... Điều này ảnh hưởng lớn đến việc lập chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh và quản lý, phòng tránh các rủi ro pháp lý ở các DN. Và cuối cùng là năng lực tiếp cận với các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do sự chủ quan của chủ DN, chưa thực sự tìm hiểu các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực trong kinh doanh.
Đây có phải là nguyên nhân mấu chốt khiến thị phần hàng Việt bị đẩy về nông thôn và nhường thị phần ở các thành phố lớn cho DN ngoại?
Theo tôi thì không hoàn toàn như vậy. Thống kê của Sở Công thương cho thấy, hàng Việt hiện có mặt trong hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đang chiếm tỷ lệ khá cao, đạt trên 90% tại các hệ thống trong nước (Co.opmart, Satramart, Big C, Aeon, Citimart…) và từ khoảng 60% - 90% tại các hệ thống nước ngoài (Trung tâm thương mại Parkson, Diamond…).
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các DN sản xuất hàng Việt muốn tồn tại phải chủ động cải tiến sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu, tâm lý và thị hiếu người tiêu dùng để sản phẩm của mình đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Sở Công thương có chính sách nào nhằm hỗ trợ DN giữ được thị phần tại các thành phố lớn như TPHCM?
Có thể kể một số chương trình do Sở Công thương chủ trì, phối hợp các sở ngành thực hiện trong thời gian qua để hỗ trợ DN như chương trình bình ổn thị trường. Sau 15 năm triển khai, chương trình đã góp phần hỗ trợ nhiều DN xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững; thông qua việc khuyến khích DN mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại, phong phú về mẫu mã đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh cho DN. Chương trình bình ổn thị trường cũng góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trên địa bàn TPHCM, tạo điều kiện để DN thành phố phát triển nhanh về quy mô, đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài. Song song đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo cơ hội cho 100% hàng hóa thương hiệu Việt hiện diện trong hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố; tạo hiệu quả tổng hợp, giúp DN trong nước thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh.
Thông qua chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành khác, Sở Công thương đã hỗ trợ các DN phân phối lớn TPHCM hợp tác, kết nối trực tiếp với DN sản xuất hàng hóa tại các tỉnh, thành nhằm hạn chế các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng hàng hóa; giảm giá thành sản phẩm đến tay người dân, góp phần kích cầu tiêu dùng hàng hóa. Về phía DN phân phối thành phố, có được nhiều nguồn hàng chất lượng cao, giá cả phù hợp tại các địa phương, nâng cao sức cạnh tranh trước các DN nước ngoài.
Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng đã giúp DN từng bước tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh; thúc đẩy sản xuất kinh doanh; giữ vững ổn định và phát triển kinh tế trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.