Cùng với chi phí đầu vào tăng cao, cộng với sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã khiến “miếng bánh” xuất khẩu bị ảnh hưởng, thị trường nội địa cũng chịu “va đập”. Do vậy, FFA kiến nghị TPHCM tăng cường công tác hỗ trợ, nhất là cho những DN vừa và nhỏ gia nhập thị trường.
Hạ mức chiết khấu, kết nối vay ưu đãi
Điều khiến DN ngán ngại nhất hiện nay khi phân phối hàng đến các kênh bán lẻ chính là mức chiết khấu, có nơi lên tới 35%, đồng nghĩa đã triệt tiêu lợi nhuận của DN. Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica, cho biết chi phí đưa hàng hóa vào siêu thị dao động từ 25% - 30%. Với mức chiết khấu này, hệ thống phân phối bán lẻ của TP nói riêng và cả nước nói chung đang triệt tiêu sức sản xuất và tái sản xuất của các DN, trong điều kiện kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Thực tế, DN như Bibica còn không chịu nổi mức chiết khấu trên thì làm sao các DN vừa và nhỏ có thể “gồng” mình để “gánh” được mức chiết khấu này. Trong thời gian tới, nếu không giảm chiết khấu, hàng hóa ngoại sẽ lấn át hàng hóa của DN nội trên chính sân nhà bằng giá cả cạnh tranh. Vì thực tế DN từ các quốc gia Đông Nam Á đang được chính phủ nước họ hỗ trợ rất nhiều về công cụ tài chính, thuế, đầu tư phát triển DN.
“TPHCM cần có chính sách hỗ trợ cho tất cả DN ở các ngành, nhất là ngành lương thực thực phẩm, thông qua các biện pháp cụ thể. Ví dụ như cần có cơ chế hỗ trợ kết nối các thương hiệu bán lẻ nội địa (Sài Gòn Co.op, Satramart, Vinmart…) với các DN ngành lương thực thực phẩm. Từ đó, giúp DN dễ dàng tiếp cận và đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối này nhằm tăng lợi thế phát triển, tránh tình trạng đưa ra các mức chiết khấu khác nhau nhằm thu lợi về mình”, ông Trương Phú Chiến kiến nghị.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, TP cần đẩy mạnh nhiều giải pháp hỗ trợ để tăng sức mua, sức cạnh tranh cho hàng hóa của DN; đồng thời, kiến nghị Bộ tài chính không tăng thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt (như đề xuất trong dự thảo sửa đổi các luật thuế của Bộ Tài chính đưa ra)… Thêm nữa, TP cũng cần có cơ chế, chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước, qua việc hỗ trợ các DN có thương hiệu bán lẻ uy tín, phát triển thành thương hiệu bán lẻ mạnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ mở rộng quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng cửa hàng mới; tập trung xây dựng, đổi mới hệ thống các chợ truyền thống để DN nội tăng sức cạnh tranh… Ngoài ra, còn một yếu tố sống còn khác, theo bà Lý Kim Chi, chính là TP cần tập trung giải quyết khó khăn về vốn cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ. Lãnh đạo TP có thể chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà cho DN, bảo đảm an toàn vốn vay, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay…
Tăng cường đối thoại
Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực lương thực thực phẩm nói riêng, các ngành nghề khác nói chung đều thẳng thắn phản ánh, hiện có nhiều “chi phí mềm”, chi phí “không tên” ngoài sổ sách khiến DN rất mệt mỏi, gây tốn kém. Mặc dù, thời gian vừa qua TP đã tổ chức các buổi đối thoại giữa các sở ngành, cơ quan chuyên trách với DN nhưng chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu do chưa tập trung vào đặc thù của từng ngành nghề, thời gian các buổi đối thoại còn hạn chế… Do vậy, FFA cùng các DN kiến nghị TP chỉ đạo các sở ngành tăng cường các buổi đối thoại trực tiếp với DN để lắng nghe, rà soát, tháo gỡ những thủ tục còn gây trở ngại cho hoạt động của DN. Những buổi đối thoại này phải được thực hiện thực chất, hiệu quả… Bên cạnh đó, TP cần tiếp tục hỗ trợ các hội ngành nghề tăng cường công tác tổ chức hội nghị đối thoại chuyên ngành; tạo môi trường, cơ chế để hiệp hội ngành nghề có không gian phát triển, tạo ra khung pháp lý an toàn, hợp lý để hiệp hội phát triển…
Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon), kiến nghị thêm: “Hiện nay, sự kết nối của cơ quan thuế trong toàn quốc chưa chặt chẽ. Trường hợp của Vifon là một ví dụ. DN có nhà máy ở Hà Nội và TPHCM, đã nộp thuế ở Hà Nội nhưng TPHCM lại có văn bản yêu cầu DN phải có xác nhận từ cơ quan thuế ở Hà Nội rồi nộp lại cho TPHCM để xóa nợ thuế. Hoặc vấn đề khác cũng khiến Vifon bức xúc không kém, đó là có một số chính sách, thông tư có lợi cho DN nhưng cơ quan thuế không thông báo rộng rãi để DN biết. Chẳng hạn như thông tin giảm tiền thuế đất nhưng DN không biết vì không có thông tin. Để có được thông tin này, cơ quan thuế yêu cầu DN về làm văn bản, sau đó bên thuế sẽ cung cấp. Mới đây, công ty còn bị cơ quan thuế yêu cầu trích lục văn bản từ năm 2007 (hơn 10 năm) về việc chậm nộp thuế. Với cách làm này của cơ quan thuế khiến DN gặp khó khăn trong việc truy tìm hồ sơ, sổ sách, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DN”.