* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về đời sống, việc làm của người lao động trên địa bàn TPHCM khi dịch Covid-19 liên tục tác động suốt thời gian dài?
- Ông LÊ MINH TẤN: Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động (NLĐ). Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, một số DN tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, tạm dừng kế hoạch tuyển dụng lao động. NLĐ đang làm việc cũng có nguy cơ mất thu nhập, thiếu việc làm, tạm hoãn hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi, thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM) tại hơn 2.700 DN được khảo sát, có đến 34% DN có số lao động giảm. NLĐ phải giãn việc, nghỉ luân phiên; bị giãn lương, tạm nghỉ việc không hưởng lương và thậm chí là thôi việc, mất việc.
Nếu như cả năm 2019, mỗi ngày TPHCM chỉ có khoảng 500 người hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sang năm 2020, trung bình mỗi ngày làm việc (không tính ngày nghỉ) có tới gần 1.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cả năm 2020, TPHCM có trên 195.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Những đợt cắt giảm NLĐ chưa từng có tiền lệ đã diễn ra ở một số DN. Những tháng đầu năm 2021, kinh tế TPHCM có nhiều điểm sáng, song cũng có tới 50.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp. Giờ đây, dịch Covid-19 tái bùng phát, số NLĐ thất nghiệp đang gia tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.
* Trước sự tác động lớn như vậy, đến nay TPHCM có sự hỗ trợ cụ thể nào đối với NLĐ?
- Trong năm 2020, Sở LĐTB-XH TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM hỗ trợ cho hơn nửa triệu NLĐ và 5.274 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (đạt 100%) với số tiền hơn 612 tỷ đồng. Từ người bán vé số, giáo viên mầm non, NLĐ tự do không giao kết hợp đồng lao động đến công nhân trong DN bị mất việc… đều nhận được sự hỗ trợ trong gói hỗ trợ lần 1 của thành phố.
* Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tái diễn phức tạp hơn như hiện nay, theo ông cần làm gì để chia sẻ, hỗ trợ cho người yếu thế, NLĐ bị mất việc làm?
- Đối với công nhân, NLĐ, người nghèo, diện chính sách có công, diện bảo trợ xã hội…, TPHCM đã hỗ trợ đầy đủ trong lần hỗ trợ đầu tiên. Giờ đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, chúng ta phải học cách sống chung với dịch bệnh, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng, chúng ta không nên tiếp tục hỗ trợ tiền mặt như lần hỗ trợ đầu tiên. Thay vì cho “con cá”, Sở LĐTB-XH TPHCM đang triển khai các giải pháp tặng “cần câu” cho NLĐ để họ đủ sức ứng phó với tác động của dịch bệnh .
Cụ thể, UBND TPHCM đã giao Sở KH-ĐT chủ trì, tham mưu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ lần hai cho đối tượng DN. Thực ra, hỗ trợ cho DN cũng chính là hỗ trợ cho NLĐ, bởi DN hoạt động NLĐ sẽ có việc làm, có thu nhập.
Về phía Sở LĐTB-XH, chúng tôi tập trung vào giải pháp căn cơ là hỗ trợ NLĐ thất nghiệp đi học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, sớm tái gia nhập thị trường lao động. Sở cũng vận động DN thay vì cắt giảm hàng loạt công nhân thì thực hiện giãn ngày làm việc, luân phiên để nhiều NLĐ cùng có việc làm. Trong số lao động thôi việc, mất việc, các DN cũng hỗ trợ bằng nhiều hình thức: hỗ trợ chi phí mất việc làm cho NLĐ, hỗ trợ xe cho NLĐ mất việc về quê, tạo thuận lợi cho NLĐ hưởng các chính sách theo quy định…
Đồng thời, sở tổ chức các sàn giao dịch việc làm để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm mới phù hợp. Trong lúc các sàn giao dịch việc làm trực tiếp phải đóng cửa do dịch thì các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, các kênh tuyển dụng trực tuyến là kênh thuận lợi mà NLĐ có thể tiếp cận, tìm kiếm việc làm mới phù hợp. Dự kiến, TPHCM có khoảng 300.000 người được giới thiệu việc làm, trong đó có 140.000 chỗ làm mới được tạo ra trong năm 2021.
Người thất nghiệp được đào tạo nghề trong thời gian 3 tháng với mức hỗ trợ tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa học. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng trong thời gian tối đa 6 tháng nhằm giúp NLĐ chuyên tâm nâng cao tay nghề. |