- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, chắc hẳn ông cũng rất mong muốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói ngân sách hỗ trợ, sớm được Quốc hội phê duyệt, triển khai?
TS VÕ TRÍ THÀNH: Tăng trưởng GDP năm qua đã ở mức thấp nhất trong suốt nhiều thập niên qua, kể từ khi bắt đầu tiến trình cải cách kinh tế ở Việt Nam. Đằng sau đó là tổn thất về công ăn việc làm, thu nhập của hàng triệu người lao động. Phải nói là với những khó khăn chồng chất của người lao động và doanh nghiệp, chương trình phục hồi cần được tiến hành càng nhanh càng tốt, với quy mô đủ lớn, đủ rộng và đặc biệt phải thiết thực. Tuy đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có một số lĩnh vực gần như đã đến ngưỡng chống chịu, song Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc phục hồi. Đó là sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn dân; là kinh nghiệm chống dịch; là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, ngân sách thu tốt, ngân hàng tương đối lành mạnh, thanh khoản được, xuất khẩu, thương mại vẫn tốt. Giải ngân đầu tư nước ngoài giảm chút ít nhưng vốn đăng ký vẫn tăng.
Chương trình với nhiều giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, bao gồm cả việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy cải cách, thu hút đầu tư, và rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay là cách thích ứng, “sống chung” với dịch. Tất nhiên “tiền tươi thóc thật” vẫn cần. Chúng ta vẫn phải đợi quyết định cuối cùng từ Quốc hội trên cơ sở cân đối toàn diện các yếu tố kinh tế - xã hội. Nhưng có thể nhìn sang chương trình phục hồi của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Đáng nói là về tính thiết thực, đến thời điểm này dù chưa thể nói chính xác là bao nhiêu nhưng đầu tư vào những lĩnh vực nào thì các quan điểm là khá thống nhất. Đó là các lĩnh vực: y tế, đặc biệt là trong năng lực phòng chống dịch; an sinh xã hội, chú trọng các nhóm bị tổn thương trong đại dịch; hỗ trợ doanh nghiệp và tập trung phát triển hạ tầng. Làm sao tiền phải đến được đúng và trúng đối tượng, nhanh và hiệu quả, đặt ra nền móng cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
- Quy mô gói hỗ trợ chưa được quyết định nhưng cũng đã có những khuyến nghị ban đầu về rủi ro tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, lạm phát… Ông có bình luận gì?
Giải pháp nào cũng có hai mặt. Bên cạnh những tác động tích cực, khi “bơm” thêm tiền ra thị trường tất nhiên cũng sẽ có rủi ro. Chúng ta sẽ phải tính toán để đánh giá và quản trị rủi ro đó, nhanh chóng triển khai để gói hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng nếu quy mô hỗ trợ ở vào khoảng 5% thì các rủi ro như nêu trên không đáng ngại, nhất là trong bối cảnh lạm phát thấp xa so với mục tiêu. Tôi được biết nhóm nghiên cứu của Bộ KH-ĐT đã tính toán kỹ vấn đề này trước khi trình Quốc hội. Tất nhiên vẫn luôn cần sự giám sát để ứng biến kịp thời.
- Những “nút thắt” nào cần gỡ bỏ để chương trình phục hồi kinh tế đạt được hiệu quả cao nhất?
Đầu tiên là tại kỳ họp tới, Quốc hội cần thông qua chương trình đó với quy mô - như đã nói - đủ lớn, đủ rộng và thiết thực. Quốc hội cũng được kỳ vọng sẽ điều chỉnh khung pháp luật, cụ thể là thông qua dự án luật “1 luật sửa 8 luật” để khai thông những điểm nghẽn pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh doanh. Tiếp đó, những việc đã và đang làm cần phải tiếp tục một cách dứt khoát hơn, quyết liệt hơn, đó là chuyển mạnh sang chính phủ số, minh bạch hóa quá trình ra quyết định quản lý; thẳng tay trừng trị tệ tham nhũng, vứt bỏ những thủ tục rườm rà gây tốn kém chi phí thực thi…
Nhìn chung, với bên ngoài, tuy còn rất nhiều việc phải làm nhưng Việt Nam đã có hình ảnh tương đối tốt trên thế giới như một đất nước cải cách, có mức độ phát triển khá nhanh. Trong các quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ đa phương, tiếng nói của chúng ta cũng đã được lắng nghe. Thương hiệu quốc gia vẫn tốt, đủ để các đối tác biết đến Việt Nam, hiểu Việt Nam và muốn đến làm ăn, kinh doanh với Việt Nam. Nếu có chương trình hỗ trợ thông minh, cộng với nỗ lực của doanh nghiệp thì vẫn có thể tạo đột phá.