Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ các địa phương xây dựng 6 sàn giao dịch thương mại điện tử, 3 phần mềm xúc tiến thương mại trên bản đồ số, 3 hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến. Riêng tại khu vực phía Nam, 11 sở công thương các tỉnh, thành phố thực hiện đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 2,475 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2018 tổng kinh phí hỗ trợ phát triển thương mại điện tử quốc gia cho 41 địa phương là 14,07 tỷ đồng. Cục đã hỗ trợ các cơ quan nhà nước xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử mô hình kết nối giao thương doanh nghiệp và cho phép bán lẻ; xây dựng phần mềm xúc tiến bán hàng được tích hợp với bản đồ số hóa để cập nhật hầu hết thông tin doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Mục tiêu nhằm hỗ trợ cho khách hàng tiềm năng dễ dàng tìm thấy vị trí của đơn vị cũng cấp hàng hóa trên bản đồ số.
Song song đó, chương trình phát triển thương mại điện tử cũng hỗ trợ các địa phương mở lớp đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đoàn viên thanh niên, hướng đến xây dựng thương hiệu trong môi trường trực tuyến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng doanh số bán hàng.