Hỗ trợ báo chí trong truyền thông chính sách

Việc hỗ trợ báo chí trong truyền thông chính sách chính là bệ phóng để cơ chế, chính sách, nghị quyết đi vào thực tiễn hiệu quả và được sự đón nhận, đồng thuận cũng như phản hồi từ người dân để cùng TPHCM phát triển.

Sáng 2-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp cùng Sở TT-TT TPHCM, Hội Nhà báo TPHCM tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò báo chí, xuất bản tham gia thực hiện các Nghị quyết về phát triển TPHCM”.

Đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM cùng ban chủ tọa điều hành tọa đàm. ẢNH: HOÀNG HÙNG

Đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM cùng ban chủ tọa điều hành tọa đàm. ẢNH: HOÀNG HÙNG

Thành lập nhóm điều phối truyền thông

Tại tọa đàm, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, TPHCM có thế mạnh là các cơ quan báo chí xuất bản của Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn rất lớn. Báo chí có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền trước và trong quá trình triển khai nghị quyết, giúp cộng đồng, người dân hiểu được sự cần thiết phải ban hành nghị quyết cũng như hiểu nội dung, cơ chế, chính sách triển khai nghị quyết. Trong quá trình đó, báo chí cũng giới thiệu nhiều mô hình điển hình và những vướng mắc, khó khăn để tiếp tục đề xuất tháo gỡ khi trong quá trình pháp luật còn chồng chéo, chung chung.

Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đồng chí cũng chỉ ra sự năng động của báo chí thời gian qua, như đã phối hợp với các cơ quan tổ chức tọa đàm, hội thảo, các cuộc thi hiến kế để thực hiện tốt hơn nghị quyết. Qua đó làm sâu sắc hơn các khía cạnh nghị quyết đề cập, góp phần kiến tạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Dù vậy, trong quá trình triển khai nghị quyết, đồng chí cho rằng báo chí cần tránh nói chung chung, một chiều, hay các sự kiện na ná nhau và phải khắc phục được tình trạng “nói quá lên”.

Và trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết còn khó khăn, báo chí cần bám sát vào thực tiễn thành phố, phản ánh những khó khăn, vướng mắc; tiếp tục bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Cùng với đó, tham gia đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả nghị quyết cũng như mạnh dạn đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp với TPHCM, chẳng hạn như Luật Đô thị đặc biệt hoặc Luật Đô thị chung.

Tại tọa đàm, nhà báo Trần Trọng Dũng cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của các nghị quyết mà Trung ương dành cho TPHCM. Là người theo dõi hoạt động báo chí tại TPHCM, nhà báo Trần Trọng Dũng nhìn nhận, thành phố đã làm rất tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí, minh chứng rõ nét nhất là thời điểm dịch Covid-19 hay gần đây là cung cấp thông tin về Nghị quyết 98.

Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận tại toạ đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận tại toạ đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà báo Trần Trọng Dũng cũng cho rằng, TPHCM cần chủ động cung cấp thông tin qua nhiều kênh hơn nữa để các cơ quan báo chí không cần phải đến Trung tâm Báo chí nhưng vẫn tiếp cận được thông tin ở các sở, ngành, quận, huyện và của thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện để báo chí khai thác sâu hơn thông tin phục vụ công tác tuyên truyền.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách, nhà báo Trần Trọng Dũng gợi ý, Hội Nhà báo TPHCM cần nghiên cứu thành lập nhóm điều phối, tập hợp các phó tổng biên tập phụ trách nội dung và thư ký tòa soạn của các cơ quan báo, đài chủ lực của thành phố, thậm chí là cơ quan báo chí Trung ương. Nhóm điều phối sẽ phối hợp với Phòng Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Thành ủy) và Phòng Quản lý báo chí (Sở TT-TT) chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông chung cho các cơ quan báo chí, để lan tỏa về việc triển khai chính sách.

Mặt khác, trong Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cũng cần có thành viên ở lĩnh vực truyền thông để tư vấn về truyền thông cho lãnh đạo thành phố trong thực hiện Nghị quyết 98. Đồng thời, sơ kết thường xuyên công tác truyền thông chính sách; biểu dương, khích lệ các tuyến bài, tác phẩm hay để động viên các tác giả, các cơ quan báo chí; đặt hàng báo chí trong truyền thông chính sách…

Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TPHCM trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TPHCM trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đồng thuận với ý kiến trên, nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TPHCM, cho rằng, hiện các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin rất khó. Các sở, ngành thành phố cung cấp nguồn tin chậm, chưa đầy đủ. Ông cho rằng, việc cung cấp nguồn tin hiệu quả là cách tuyên truyền chính sách tốt nhất, do đó ông mong mỏi lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM cần quan tâm hơn đến việc cung cấp nguồn tin, đồng thời tham gia xuất hiện trong các nguồn tin.

Theo ông Mai Ngọc Phước, tình trạng chung hiện nay là chủ yếu chuyên gia xuất hiện trên mặt báo, rất ít thông tin có sự góp mặt của lãnh đạo thành phố. Trong khi đó, việc lãnh đạo thành phố xuất hiện trong nguồn tin sẽ tạo độ uy tín rất cao cho thông tin, tăng sức thuyết phục đối với người dân, như vậy thì việc truyền thông chính sách đến nhân dân rất hiệu quả.

Trao đổi thêm về nội dung trên, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết, thời gian qua, Sở TT-TT và Hội Nhà báo đã rất cố gắng trong kết nối cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng khó nhất hiện nay là nguồn thông tin.

Theo ông Lâm Đình Thắng, nguồn thông tin xuất phát từ các cơ quan chuyên môn tham mưu nội dung đó phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí trước khi ban hành và trong quá trình thực hiện chính sách và triển khai chính sách.

Tuy nhiên, nguồn thông tin này hiện rất yếu, thậm chí khi kết nối đề nghị trao đổi cũng không có nguồn thông tin. Ông Lâm Đình Thắng mong muốn các sở, ngành, cơ quan báo chí trao đổi thêm để có giải pháp trong chủ động cung cấp thông tin truyền thông chính sách.

Đẩy mạnh cơ chế “đặt hàngbáo chí

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề “đặt hàng” báo chí trong truyền thông chính sách. Như nhà báo Mai Ngọc Phước nhìn nhận, nếu thành phố không “đặt hàng” thì báo chí vẫn tuyên truyền, tuy nhiên, nếu được “đặt hàng” thì công tác tuyên truyền sẽ tốt hơn, lan tỏa hơn. Đồng thời, có khen thưởng đột xuất cho phóng viên, cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên tham luận tại tọa đàm. ẢNH: HOÀNG HÙNG

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên tham luận tại tọa đàm. ẢNH: HOÀNG HÙNG

Nói thêm về cơ chế đặt hàng, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn (Tổng Biên tập Báo Thanh Niên) dẫn chứng Chỉ thị 07/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã cho cơ chế và thực tế TPHCM đã áp dụng nhiều năm trước. Tuy nhiên, thủ tục của cơ chế đặt hàng cần thông thoáng hơn, tập trung vào các cơ quan báo chí chủ lực để giúp báo chí có thêm nguồn lực, phát huy vai trò dẫn dắt trong truyền thông chính sách.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh vấn đề cơ chế “đặt hàng” báo chí, vấn đề “cởi mở” với cơ quan truyền thông, báo chí cũng được các đại biểu tại tọa đàm quan tâm, tham luận. Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ thêm, người phát ngôn báo chí phải am hiểu và tâm huyết với những chính sách mà sở ngành, địa phương mình quản lý. Mặt khác, việc cung cấp thông tin cũng cần chủ động, nhất quán và xuyên suốt, tránh tình trạng “khi xin cơ chế thì niềm nở với báo chí, xin được rồi thì dửng dưng, thờ ơ, né tránh”. Cùng với đó, cần xác định và củng cố tâm thế đồng hành tin cậy với báo chí, lấy thước đo thực thi chính sách, cơ chế là hiệu quả thực tiễn đóng góp vào công cuộc phát triển chung làm mục tiêu hướng đến, tạo dựng và nâng cao lòng tin của xã hội.

Để truyền thông chính sách phải vừa đúng chủ trương, hiệu quả và hấp dẫn với bạn đọc, ở góc độ của người trực tiếp tác nghiệp báo chí, nhà báo Nguyễn Viễn Sự, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, Báo Tuổi trẻ, cho rằng, việc đón “điểm rơi” và truyền thông “tận tay” để thực hiện được một tuyến bài hay, có tác động về chính sách là điều rất quan trọng. Như vậy, kế hoạch tin bài phải được thực hiện trước, chuẩn bị sẵn sàng và có lộ trình.

Tin cùng chuyên mục