Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị quản lý hồ thủy điện ở miền Bắc, đến ngày 8-6, có 6/7 hồ thủy điện lớn ở Bắc bộ (Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà, Huội Quảng, Bản Chát) đã xuống gần hoặc tới mực nước chết, và Hồ Thủy điện Bản Vẽ ở Bắc Trung bộ cũng gần chạm mực nước chết. Tình hình vận hành của các nhà máy thủy điện này rất khó khăn.
Nguồn số liệu: EVN |
Mực nước tại Hồ Thủy điện Thác Bà đã xuống dưới mực nước chết. Ảnh: ĐỨC DŨNG |
Do hồ xuống mực nước chết nên Nhà máy Thủy điện Thác Bà phải dừng 2 tổ máy phát điện. Ảnh: ĐỨC DŨNG |
Nhà máy Thủy điện Sơn La (lớn nhất Đông Nam Á, với tổng công suất 2.400MW) đang đối mặt với mực nước thấp chưa từng có kể từ khi hoạt động đến nay. Ngày 6-6, mực nước trong Hồ Thủy điện Sơn La ghi nhận ở mức 174,93m, thấp hơn mực nước chết và thấp hơn 40,07m so với mực nước dâng bình thường.
Mực nước của Hồ Thủy điện Sơn La ngày 6-6 |
Nhà máy Thủy điện Lai Châu (1.200MW) cũng đang phải vận hành dưới mực nước chết |
Hồ Thủy điện Tuyên Quang chỉ còn cách mực nước chết 0,91m vào sáng 8-6 |
Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), trong cơ cấu nguồn cung cấp điện cho Bắc bộ, thủy điện chiếm tỷ trọng đến 43,6%. Tuy nhiên, tính đến ngày 6-6, công suất khả dụng của thủy điện Bắc bộ chỉ là 3.110MW, tức chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.
Sáng 8-6, Hồ Thủy điện Bản Chát chỉ còn cách mực nước chết 0,92m. Ảnh: EVN |
Dự báo nửa cuối tháng 6 và tháng 7, nắng nóng sẽ quay trở lại Bắc bộ. Khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở Bắc bộ có thể lên mức 23.500-24.000MW vào ngày nắng nóng.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, công suất khả dụng ở Bắc bộ chỉ có hơn 17.000MW, nếu nắng nóng, nhu cầu phụ tải lên tới 20.000MW. Dự báo, hệ thống điện Bắc bộ sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh).