Hồ Sông Đầm đang phải đối diện với sự suy giảm đa dạng sinh học

Ngày 19-7, UBND TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) tổ chức hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy các giá trị sinh thái đất ngập nước hồ Sông Đầm.

Theo đo đạc, hồ Sông Đầm có diện tích khoảng 650ha, trong đó diện tích mặt nước chiếm khoảng 250ha, thuộc 3 xã, phường của TP Tam Kỳ. Sông Đầm có hệ sinh thái rất độc đáo, quý hiếm, có ý nghĩa rất lớn về môi trường, cảnh quan. Điều kiện tự nhiên nơi đây phong phú và thảm thực vật, hệ động vật đa dạng đặc trưng của khu vực Nam Trung bộ.

IMG_6348.JPG
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Ông Nguyễn Duy Ân, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, trong những năm qua, TP Tam Kỳ luôn quyết tâm, tích cực trong việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm; trồng và chăm sóc hàng nghìn cây xanh gồm nhiều chủng loại bản địa với quy mô hơn 20 ha. Thường xuyên ra quân truy quét nạn đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loài chim hoang dã và di cư. Nhờ đó, diện tích cây xanh tăng lên, nước trở nên trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản đang dần phục hồi.

Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ khẳng định các tham luận gửi đến hội thảo sẽ là tài liệu có giá trị trong nghiên cứu, đào tạo cũng như là cơ sở khoa học để TP Tam Kỳ triển khai các bước tiếp theo trong quá trình xây dựng Dự án Thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh tại Sông Đầm.

IMG_6343.JPG
Ông Nguyễn Duy Ân, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Qua khảo sát của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Sông Đầm có 295 loài, trong đó có 33 loài cá, 16 loài bò sát ếch, nhái, 31 loài chim, đáng lưu ý có loài Cò Nhạn nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đồng thời có 211 loài côn trùng và 170 loài thực vật bậc cao.

PGS. TS. Phạm Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam nhìn nhận hiện nay, hồ Sông Đầm đang phải đối diện với sự suy giảm đa dạng sinh học. Các nguyên nhân là do sự phá vỡ và mất nơi cư trú, xâm lấn của các sinh vật ngoại lai. Khai thác quá mức các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu và các hoạt động trong nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp...

Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái ở khu vực hồ Sông Đầm, cần phải có biện pháp quy hoạch bảo tồn sinh thái và sinh cảnh sống của các loài. Giảm thiểu nguyên nhân tác động đến số lượng các cá thể nhằm phát triển bền vững các loài, các quần thể thực vật tại nơi đây.

DJI_0424.JPG
Hồ Sông Đầm có diện tích khoảng 650ha. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

PGS. TS Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam đánh giá ngoài các chức năng nông nghiệp thủy lợi, điều tiết nước lũ… thì Sông Đầm còn chứa trong mình một nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú, góp phần tạo đa dạng cho hệ sinh thái Sông Đầm. Chính vì vậy, để phát triển bền vững Sông Đầm gắn với du lịch sinh thái thì cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài.

Qua đó, bà Vũ Thị Phương Anh đề xuất giải pháp như: định hướng khai thác hợp lý, tránh không khai thác vào mùa sinh sản; nghiêm cấm sử dụng các phương tiện như chích điện, đối với lờ bắt cá cần quy định cụ thể cỡ mắt lưới để đảm bảo không đánh bắt cá con chưa trưởng thành, không sử dụng cá con làm thức ăn chăn nuôi… Đồng thời tuyên truyền kiến thức cho người dân để để cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

24-4-bao-ve-song-dam-7.jpg
Đánh bắt thủy sản tại khu vực hồ Sông Đầm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Mặt khác, địa phương cũng cần nghiêm cấm các nhà máy tại các khu công nghiệp xả nước thải trực tiếp vào sông. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất gây nguy hại cho thủy sản và ô nhiễm môi trường sông và ven sông. Đặc biệt khuyến khích nuôi trồng thủy sản để giảm áp lực đánh bắt lên các loài thủy sản tự nhiên của Sông Đầm.

24-4-bao-ve-song-dam-4.JPG
Du khách tham quan hồ Sông Đầm qua mô hình du lịch cộng đồng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Một hướng đi để bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học được bà Vũ Thị Phương Anh đưa ra là việc phát triển du lịch sinh thái tại Sông Đầm gắn với cộng đồng cư dân. Điều này sẽ góp phần xây dựng thành phố ngày càng xanh, điều hòa khí hậu cho vùng và đồng thời đóng góp lớn cho phát triển kinh tế địa phương. Bảo tồn phát triển hệ sinh thái Sông Đầm chính là bảo vệ các điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương, là nền tảng để phát triển du lịch xanh và bền vững trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục